Sao không thông báo để dân giám sát?
Ông Võ Văn Thưởng tiếp tục đến địa điểm xảy ra sạt lở vào sáng 28-10 để khảo sát và đối thoại với người dân.
Liên quan đến dự án nạo vét, thông luồng này, liên tiếp nhiều ngày trong tháng 9-2013, người dân xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, giáp ranh xã Nghĩa An) cũng đã tụ tập phản đối việc khai thác cát quá mức gây sạt lở nặng bờ biển khu vực này. Ngoài sạt lở bờ biển, nhiều người dân cho rằng các doanh nghiệp được phép đã tận thu cát thì nhiều trong khi thông luồng lại ít khiến cửa biển sông Phú Thọ bị bồi lấp, tàu thuyền của ngư dân không thể ra vào làm ăn.
Ngay sau đó, lãnh đạo địa phương hứa tạm dừng khai thác toàn bộ dự án nói trên để khẩn trương khắc phục sạt lở và sẽ bồi thường thiệt hại cho người dân... Trong khi việc khắc phục chưa xong, mới đây UBND huyện Sơn Tịnh lại giao cho đơn vị khai thác cát tiếp tục nạo vét, thông luồng.
Tại buổi họp báo chiều 27-10, ông Đinh Hoài Bắc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc người dân tập trung phản đối vào ngày 27-10 là do trước đó, họ thấy 6 chiếc tàu xuất hiện ở khu vực của dự án, trong đó có 3 sà lan chở cát và 1 tàu nước ngoài nên nghĩ là dự án hoạt động trở lại. Về nguyên nhân này, đại diện UBND tỉnh cho rằng việc tụ tập phản đối là do người dân hiểu lầm địa phương tiếp tục cho hút cát xuất khẩu trong khi UBND huyện Sơn Tịnh chỉ yêu cầu nạo vét, thuông luồng để tàu thuyền ra vào...
Tham gia đối thoại vào sáng 28-10, nhiều người dân bức xúc: Nếu thông luồng, nạo vét, tại sao chính quyền địa phương không thông báo cho người dân biết để giám sát? Nếu có thông báo, người dân sẽ không tụ tập để phản đối.
Cũng theo người dân địa phương, trong những ngày qua, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, mỗi ngày biển xâm thực đất liền từ 10-15 m. Đã có hàng chục hecta đất ở khu vực này trôi xuống biển, cửa biển bị bồi lấp khiến tàu thuyền không ra vào được.
Tỉnh hứa sẽ đền bù
Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở, ông Võ Văn Thưởng cho rằng những yêu cầu của người dân là chính đáng. “Có 3 vấn đề cần làm ngay là phải dựng kè chống sạt lở; tiến hành nạo vét, thông luồng sông Phú Thọ để tàu thuyền ra vào; triển khai việc hỗ trợ, đền bù cho người dân bị thiệt hại” - ông Thưởng khẳng định.
Cũng theo ông Thưởng, mức đền bù cho mỗi tàu cá công suất trên 200 CV là 20 triệu đồng, từ 90-200 CV 15 triệu đồng, dưới 90 CV 10 triệu đồng. Ngoài ra, phải thống kê thiệt hại của những hồ nuôi tôm, vườn nhà bị sạt lở để bồi thường cho dân.
Bí thư Tỉnh ủy nhận lỗi Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đã thẳng thắn nhận lỗi. “Để người dân bức xúc trong thời gian qua, một phần lỗi thuộc về lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và giải quyết những bức xúc của người dân và mong người dân kiềm chế bức xúc, không nên tụ tập đông người như thời gian qua gây mất trật tự, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của nhiều người khác” - ông Thưởng nói. |
Bình luận (0)