Giáo dục từ trước đến nay vốn được xem là môi trường phải trong sạch đến mức tinh khiết bởi đó là cỗ máy đào tạo con người. Tuy nhiên, nhiều tổ chức đang báo động về tình trạng tham nhũng và chỉ ra những “điểm đen” nguy hiểm trong hệ thống giáo dục toàn cầu.
Tham nhũng trong giáo dục được định nghĩa là việc lạm dụng quyền lực để đạt được những lợi ích cá nhân, có thể xảy ra trong quá trình xây dựng chính sách, gian lận tài sản, dạy thêm, học thêm, lạm thu, tuyển sinh, cho điểm, công nhận tốt nghiệp, đạo văn… Theo một báo cáo về tính minh bạch trong giáo dục, các nhà nghiên cứu cho rằng tham nhũng trong giáo dục chính là hành vi “đánh cắp tương lai” của chính đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên.
“Báo cáo tham nhũng toàn cầu về giáo dục” do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT) thực hiện, công bố ngày 1-10, đã khảo sát về “Tham nhũng trong giáo dục phổ thông”. Khảo sát này ghi nhận: “Việc khoảng 30% phụ huynh tìm cách xin cho con vào học ở “trường điểm” trái tuyến, dẫn tới sự hình thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ 3 xúc tiến cho quá trình này”.
Để có bản báo cáo trên, 50 chuyên gia quốc tế đã tiến hành khảo sát và kết luận: 67% phụ huynh coi chuyện “chạy trường” là bình thường, có phụ huynh đã phải hối lộ 3.000 USD để giành một chỗ học ở trường tiểu học “điểm” và khoảng 300-800 USD để con họ được vào trường “thường thường bậc trung”.
Đó mới chỉ là chuyện “chạy trường”. Những hình thức tham nhũng khác dù tiềm ẩn nguy cơ nhưng vẫn chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ xét góc độ ở các vấn đề như “chạy trường”, lạm thu, dạy thêm, học thêm... cũng đã thấy mức độ tham nhũng trong giáo dục ở nước ta rất đáng quan ngại.
Tại sao hiện tượng “chạy trường” ngày càng căng thẳng? Lạm thu vẫn diễn ra dù các cơ quan chức năng đã đưa ra “hàng rào phòng hộ” dày đặc? Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan dù có nơi tổ chức “bắt” thầy cô dạy thêm như... bắt trộm? Tất cả cho thấy yếu tố chính sách, con người, hàng rào pháp lý, những bất bình đẳng trong giáo dục vẫn tồn tại; sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội phổ biến ngay cả trong môi trường trong sáng như giáo dục. Vì vậy, một khi các chính sách về giáo dục vẫn còn kẽ hở để bất bình đẳng xảy ra, tính công khai còn nhập nhèm thì tham nhũng trong giáo dục vẫn hiện diện.
Ấn Độ đã công khai các khoản ngân sách cấp cho trường, công khai tuyển sinh, công khai chương trình dạy và học… để phụ huynh và xã hội giám sát. “Bài thuốc” hữu hiệu này rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Đánh cắp tương lai - đó là thách thức chung của cả xã hội chứ không riêng gì ngành giáo dục.
Bình luận (0)