Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với tỉ lệ cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ công bố, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng đưa ra con số 30% công chức “vác ô”. Đến nay, người đứng đầu Chính phủ khẳng định “dân chưa hài lòng và chưa tin” thì không thể không ghi nhận, chỉnh đốn.
Vấn đề là ở chỗ không phải làm đẹp con số để tự trấn an, vuốt ve mình mà cốt lõi là nâng cao thực lực của bộ máy hành chính. Dân chúng thông minh, đủ sức để đánh giá chất lượng quản lý điều hành của hệ thống công quyền. Mọi báo cáo thành tích không có giá trị khi bản thân nó không phù hợp những gì đã và đang xảy ra trong thực tiễn, gắn liền với đời sống của người dân, phát sinh trực tiếp trong mối quan hệ nhà nước - công dân.
Tại hội nghị, Thủ tướng còn nói về tình hình tham nhũng: “Tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu không thể ở trên trời mà ở trong chính bộ máy của chúng ta, nếu không đánh được giặc nội xâm thì đánh được ai”.
Hai nội dung Thủ tướng đề cập có liên quan chặt chẽ với nhau. Đưa ra con số 0,46% công chức không hoàn thành nhiệm vụ khiến dân chưa tin là đương nhiên. Bởi vì, còn có tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, tồn tại như giặc nội xâm thì làm sao có thể có gần 100% công chức hoàn thành nhiệm vụ. Tham nhũng không phải ở trên trời, cũng không phải từ dân chúng trên mặt đất mà ngay trong chính đội ngũ cán bộ công chức. Tham nhũng chỉ có thể thực hiện ở cá nhân có quyền lực. Hay nói cách khác, tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ.
Chưa nói tới tham nhũng, những vi phạm liên quan đến nhà cửa, đất đai, nhà công vụ cũng đủ để dân “chưa tin” và gây thiệt hại chung cho xã hội. Trước những vi phạm này, chỉ cần công khai, minh bạch, công bằng thì sẽ giải quyết được các vấn đề tồn tại cũng như hậu quả của nó. Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trả lại nhà, đất là những minh chứng cho sức mạnh của sự công khai.
Đúng là không đánh được “giặc nội xâm” thì không thể đánh được ai. Tham nhũng gây tổn thất nguồn lực của đất nước và làm suy yếu sức mạnh của bộ máy công quyền. Từ việc xử lý một số vụ việc vừa qua, cho thấy nên chọn cách công khai tài sản, làm rõ nguồn gốc tài sản để xử lý theo mức độ vi phạm.
Cứ mạnh tay truy hết ngọn nguồn tài sản của cán bộ công chức và người thân thì chắc chắn sẽ tạo một sự đột phá trong hoạt động phòng chống tham nhũng. Thắng “giặc nội xâm” rồi thì tự khắc quốc gia hùng mạnh. Lúc đó còn ai dám ăn hiếp mình.
Bình luận (0)