Mới đây, Quỹ Kinh tế mới (NEF), một tổ chức tư nhân ở Anh, công bố Việt Nam được xếp hạng thứ hai trên thế giới theo chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI). Đây là lần thứ ba Việt Nam ồn ào về mấy cái chuyện hạnh phúc này rồi. Hạnh phúc là gì, chưa ai có thể định nghĩa chuẩn xác. Bởi vậy, việc đưa ra một tiêu chí tuyệt đối nào để “đo” trạng thái hạnh phúc quả là mơ hồ.
HPI của NEF dựa vào mối quan hệ giữa 3 thông số là tuổi thọ, sự hài lòng cuộc sống (theo thu nhập dựa vào tổng sản phẩm quốc nội - GDP) và mức tiêu thụ tài nguyên theo dấu chân sinh thái. Ngay từ dữ liệu đầu vào là sự hài lòng, thoải mái trên cơ sở thu nhập quốc dân đã không thể đại diện đầy đủ cho đời sống tinh thần con người. Đâu chỉ có thu nhập đầu người tính trên GDP là yếu tố duy nhất để đánh giá mức sống vật chất và tinh thần. Dân các nước Libya, Ai Cập... có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của thế giới, sao họ vẫn bạo loạn?
Nhu cầu được tôn trọng và sáng tạo, cống hiến cho cộng đồng cũng là những tiêu chí quan trọng của hạnh phúc con người khi mà các nhu cầu “cấp thấp” hơn như cơm ăn, áo mặc hằng ngày đã được thỏa mãn. Dù thu nhập đầu người tính theo GDP có cao nhưng tính nhân văn của cá nhân bị đè nén, khả năng tự do sáng tạo để đóng góp những giá trị cá nhân vào kho tàng giá trị chung của xã hội bị hạn chế thì con người trong hoàn cảnh đó có hạnh phúc không? Chắc chắn là không.
Tóm lại, thông tin công bố nói trên của NEF chỉ là trò vui. Đã đến lúc phải báo động về tâm lý, xu hướng sử dụng danh hão bởi nó làm cho chúng ta tự ru ngủ mình và ru ngủ người khác, trong khi đất nước đang rất cần những cái đầu tỉnh táo.
Bình luận (0)