Ngay sau khi có thông tin chương trình Cambridge bị ngưng, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đã có giao lưu trực tuyến thông qua một tờ báo nhưng điều đáng tiếc là nhiều câu hỏi “nhạy cảm” không được trả lời. Vì sao một chương trình dạy tiếng Anh mới đã được UBND TP phê duyệt và Bộ GD-ĐT đồng ý cho triển khai lại không được công khai, minh bạch? Phụ huynh, học sinh bức xúc là phải bởi việc đem học sinh ra “làm thí nghiệm” như vậy đến bao giờ mới kết thúc?
Sự thực là chương trình Cambridge có nhiều bất cập mà chính Trung tâm Khảo thí Cambridge (CIE - đơn vị nhượng quyền thương hiệu cho EMG - đơn vị ủy quyền của Cambridge tại Việt Nam) công nhận là đã có những bất đồng trong cách đánh giá, triển khai chương trình mà EMG thực hiện tại Việt Nam. Đó là lý do buộc CIE chấm dứt hợp tác với EMG từ tháng 2-2014, trong khi việc dạy chương trình này vẫn tiếp tục cho hết học kỳ 2 năm học 2013-2014. Đùng một cái, Sở GD-ĐT TP triển khai chương trình mới. Qua 3 năm triển khai chương trình Cambridge tại TP, đã có nhiều đánh giá khác nhau, đặc biệt trong việc khoán trắng cho EMG trong việc dạy và học, làm học sinh quá tải...; cả việc sử dụng cơ sở vật chất công phục vụ cho chương trình, gây bất bình đẳng trong giáo dục. Lẽ ra, Sở GD-ĐT TP phải đánh giá toàn diện chương trình, rút kinh nghiệm... nhưng lại “âm thầm” ký tiếp với EMG để triển khai chương trình mới!
Việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta vốn còn quá nhiều bất cập. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Cách dạy ngoại ngữ tại trường học của chúng ta hiện nay không giống ai. Giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp, dẫn đến tình trạng học sinh tốt nghiệp mà không biết nói tiếng Anh, người ta nói cũng không biết nghe”. Đó cũng là lý do vì sao Bộ
GD-ĐT chưa bắt buộc thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi để đổi mới phương pháp dạy và học bằng Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã triển khai hơn 3 năm qua. Đề án này được xem là đi trước khi được triển khai từ năm 2011, cũng nằm trong lộ trình đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015. Ngân sách chi cho đề án này rất lớn (TP HCM phê duyệt hơn 2.508 tỉ đồng, TP Đà Nẵng 140 tỉ đồng...).
Đề án của Bộ GD-ĐT đang gặp nhiều thách thức khi phải xây dựng lại cho phù hợp với thực tiễn. Và như vậy, chương trình khung cho môn ngoại ngữ, sách giáo khoa cũng chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên, TP HCM có quyền triển khai các chương trình dạy ngoại ngữ của riêng mình, miễn là bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm hiện nay. Đây là yêu cầu quan trọng nhất để học sinh không bị tiếp tục đem ra “làm thí nghiệm”. Điều kiện để đạt yêu cầu này là phải công khai chứ không phải “âm thầm” như cách của Sở GD-ĐT TP.
Bình luận (0)