xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đề cương cách mạng miền Nam được sơ thảo ở đâu?

Trần Hữu Phước (Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng Khu Di tích lịch sử cách mạng miền N

TRUYỀN THỐNG.- Người có công thể hiện tư duy sắc sảo của đồng chí Lê Duẩn thành văn bản là đồng chí Châu Quốc Tuấn - thư ký riêng của đồng chí Lê Duẩn. Cách đây 47 năm, sáng 21-1-1955, gần vàm sông Ông Đốc, Cà Mau đã cử hành một cuộc lễ chia tay đầy cảm động có đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tham dự để tiễn chân các đồng chí lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ lên đường đi tập kết ra miền Bắc bằng đường biển.

Cuộc “tập kết ngược”

Sau khi các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Kỉnh... cùng với gia đình công khai bước chân lên chiếc tàu viễn dương Kiliensky của Ba Lan đang neo đậu ngoài khơi thì khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ sau, một số cán bộ cao cấp - trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - đã đưa một con thuyền nhỏ ra khơi bí mật rước đồng chí Lê Duẩn rời khỏi chiếc tàu viễn dương Kiliensky để trở về với khu căn cứ địa cách mạng ở miền Tây Nam Bộ.

Kể từ đêm hôm đó cho đến cuối mùa xuân năm 1957, suốt trong hơn hai năm trời, đồng chí Lê Duẩn đã sống trong sự chở che đùm bọc của đồng bào.

Địa bàn hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn vào những năm tháng đó, không phải chỉ ở 14 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Cà Mau, mà còn tại tỉnh Bến Tre, trên cao nguyên Lâm Đồng, đặc biệt là giữa lòng thành phố Sài Gòn - nơi trung tâm sào huyệt địch.

Trong một chuyến đi khảo sát dài ngày ở tỉnh Cà Mau, ngồi trên chiếc vỏ lãi nhỏ bé len lỏi trong các con rạch hẹp mọc đầy cây hoang cỏ dại, chúng tôi đã phải dọn lối đi trên nhưng mảng rau dừa và lục bình dày đặc để tới thăm nhiều nơi trước đây đồng chí Lê Duẩn đã từng chung sống với đồng bào trong những tháng năm gian khổ nhất. Ở vùng Lạc - Mỹ - Tân (Phong Lạc, Phú Mỹ và Tân Hưng Tây), tại một số xóm ấp, kênh rạch, mương vườn... cho đến nay vẫn còn lưu lại không ít dấu vết những cái chòi con, những chiếc hầm bí mật đã một thời che giấu đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Và từ những nơi này, chúng tôi đã khám phá một vùng đất thánh liên quan đến một sự kiện lớn.

Xung quanh việc tìm hiểu ngọn nguồn bản Đề cương cách mạng miền Nam, suốt trong mấy chục năm qua đã được không ít cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta quan tâm. Mọi người đều biết, trong những tháng năm đồng chí Lê Duẩn bí mật hoạt động cách mạng ở miền Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân ta trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn, ác liệt. Trước sức đánh phá của địch qua nhiều đợt “tố cộng, diệt cộng” cực kỳ tàn bạo và những chiến dịch càn quét khốc liệt, cách mạng miền Nam chịu đựng những tổn thất hết sức nặng nề. Chỉ trong 4 năm ở Nam Bộ (1955 - 1958), đã có tới 70.000 cán bộ, đảng viên ta bị địch giết, gần 900.000 cán bộ, nhân dân bị bắt bớ tù đày, khoảng 200.000 người bị tra tấn thành thương tật.

Đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (Lê Duẩn) thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam giữa lúc kẻ thù đang liên tiếp mở các “chiến dịch Nguyễn Huệ” và “chiến dịch Thoại Ngọc Hầu” tiến hành những cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, kéo dài ngày tại vùng rừng U Minh và khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bản đề cương quý giá này là sản phẩm tinh hoa trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, được kết tinh bởi máu xương và nước mắt của hàng triệu đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Nó đã trở thành cơ sở cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đã đưa cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế gìn giữ lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công.

Dưới mái chòi giữa rào hoa dâm bụt

Do chưa nắm được những cơ sở sử liệu xác thực nên lâu nay với lòng ái mộ chân thành, nhiều người đã từng lưu truyền những giả thuyết khác nhau xung quanh việc đoán định địa danh xuất xứ của bản Đề cương cách mạng miền Nam. Có người quả quyết rằng tác giả đã soạn thảo bản đề cương này giữa lòng thành phố Sài Gòn. Lại có người phán đoán nó ra đời tại vùng đất Mũi ở Cà Mau. Cũng có người tin chắc rằng nó được khai sinh trên mảnh đất phía Nam của vùng cao nguyên miền thượng. Căn cứ theo lời kể rất đáng tin cậy của các đồng chí Nguyễn Văn Hoành (Tư Hoành) và Trần Văn Hoành (Năm Hoành) - những người cộng sự gần gũi nhất của đồng chí Lê Duẩn trong những tháng năm bí mật hoạt động cách mạng ở miền Nam, chúng ta được biết bản sơ thảo đề cương lịch sử này, lần đầu tiên đã được đồng chí Lê Duẩn viết dưới mái chòi con nằm ẩn mình giữa vòng rào hoa dâm bụt trong vườn mảng cầu ở phía sau ngôi nhà của vợ chồng ông Huỳnh Văn Diêm (Năm Diêm) ngụ tại xóm Láng Cháo, ấp Lung Lá, xã Phú Mỹ (nay là xã Phú Tân) thuộc vùng sâu của huyện Cái Nước. Đây là gia đình cơ sở chí cốt với cách mạng, đã được đồng chí Lê Duẩn ở lâu ngày nhất.

Hồi tưởng lại giai đoạn lịch sử này, Cố vấn Võ Văn Kiệt cho biết: “Đề cương cách mạng miền Nam đã được hình thành và chín muồi dần trong tư duy đồng chí Lê Duẩn kể từ khi kẻ thù thẳng tay đàn áp khủng bố cán bộ, đồng bào ta và ra sức phá vỡ các cơ sở cách mạng tại khu vực các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Khi ở Quản Phú, phía Vàm Đình thuộc xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, đồng chí đã căn dặn tôi phải theo dõi sát sao các cuộc tàn sát đẫm máu của địch để kịp thời phát động sâu rộng lòng căm thù địch trong quần chúng, hướng tới việc sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng”. Và nhân dân đã thực sự hành động như vậy. Tại xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) có bà mẹ cùng 3 con đã dùng dao và củi giết chết 4 tên lính tại nhà. Ở một nơi khác, bà con nông dân đã dùng cù nèo đập chết một tên lính khi hắn ngang ngược bước vào nhà hăm he dọa nạt.

Mãi mãi tri ân

Người có công thể hiện tư duy sắc sảo của đồng chí Lê Duẩn thành văn bản Đề cương cách mạng miền Nam là đồng chí Châu Quốc Tuấn - một cán bộ tận tụy và dồi dào năng lực, thư ký riêng đồng chí Lê Duẩn. Nhưng do chữ đồng chí Châu Quốc Tuấn khó xem, nên khi viết tới đâu phải nhờ đồng chí Trần Văn Hoành (Năm Hoành) chép tới đó, rồi trình cho đồng chí Lê Duẩn đọc lại để sửa sang, chỉnh lý và bổ sung. Bản đề cương lịch sử này hoàn thành xong vào mùa thu năm 1956 và đã gửi ra tới thủ đô Hà Nội trong tháng 12 năm đó. Hiện nay bản gốc vẫn đang được trân trọng lưu giữ.

Trong nhiều năm qua, bản Đề cương cách mạng miền Nam đã được Đảng ta đánh giá là cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - một cuộc hội nghị lịch sử do Hồ Chủ tịch chủ tọa họp tại thủ đô Hà Nội vào tháng 1-1959 để xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng. Tuy nhiên, để cho bản đề cương này được hóa thân nhuần nhuyễn vào trong nghị quyết, cả một tập thể tác giả đã tốn biết bao thời gian và tâm lực, phải viết đi viết lại đến 27 lần dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn.

Chúng tôi đã đến thăm mảnh đất thiêng liêng, nơi 46 năm trước đồng chí Lê Duẩn đã cho ra đời những trang sơ thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Đứng trên mảnh vườn của bác Năm Diêm, lòng tôi vô cùng xúc động. Năm tháng đã trôi qua, đồng chí Lê Duẩn mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Vợ chồng bác Năm cũng hóa ra người thiên cổ. Tại cái chòi nhỏ năm xưa nơi soạn thảo bản đề cương bất hủ, nay chỉ còn là khoảnh đất trồng mấy liếp bạc hà xanh mướt. Hai ngôi mộ vợ chồng bác Năm nằm kề bên nhau trên nền ngôi nhà cũ, xung quanh trồng dày đặc những đám hoa mười giờ đơm bông đỏ rực, tưởng chừng như để mãi mãi tri ân tác giả bản Đề cương cách mạng miền Nam và vợ chồng người lão nông yêu nước nhiệt thành nghìn thu nằm dưới mộ.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thắp hương tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn

Khởi công xây dựng khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Quảng Trị

(TTXVN-NLĐ) - Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, sáng 7-4, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã tới thắp hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư tại nhà riêng ở Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ân cần thăm hỏi và trò chuyện thân mật với các thành viên trong gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định quyết tâm của thế hệ cán bộ lãnh đạo hiện nay đi theo con đường mà các bậc cách mạng tiền bối đã vạch ra, đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng nước ta “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, phấn đấu để xứng đáng với nhân cách, tấm lòng và những cống hiến lớn lao của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

. Ngày 7-4, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng đã về thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị dâng hương, dự lễ mít tinh kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau mít tinh, tỉnh Quảng Trị đã phát lệnh khởi công xây dựng khu công trình lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại làng Hậu Kiên, gồm các hạng mục như nhà trưng bày, nhà tưởng niệm... trên khuôn viên rộng hơn 4.000 m2 với kinh phí đầu tư 5,3 tỉ đồng.                                 L.An

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo