xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đề nghị kéo dài Nghị quyết 16 thêm 5 tháng

M.Nam-T.An

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM): “Nếu không tiếp tục đề án sau cai nghiện, chúng ta sẽ phải trả giá”

Chiều 10-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết (NQ) 16 ngày 17-6-2003 của QH về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TPHCM và một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Hiệu quả của NQ 16 là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm, tranh luận khá sôi nổi.

Mở đầu thảo luận tại đoàn TPHCM, ĐB Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, khẳng định những kết quả đạt được của TP sau 5 năm thực hiện NQ 16, bao gồm lĩnh vực kinh tế, an ninh trật tự xã hội ổn định, tình hình lây bệnh xã hội giảm... “Tình hình tái nghiện khoảng 6% - 7%, dù thời gian chưa dài để khẳng định, song việc kéo dài thời gian tái nghiện vẫn có lợi cho xã hội” - ĐB Tâm quả quyết. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) cho biết: “Qua kinh nghiệm công tác tại địa bàn Hà Nội, tôi thấy tỉ lệ tái nghiện sau 1 năm là 42%, sau 2 năm là 60%, 3 năm là 80% và sau 5 năm là 86%, thời gian sau cai nghiện càng dài, tỉ lệ tái nghiện càng cao”.

Nhiều ĐBQH khác đã băn khoăn về tính hiệu quả của NQ 16 và đề nghị chấm dứt việc thí điểm. ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk), bày tỏ: Xét về hiệu quả cho thấy kinh phí đổ cho chương trình này quá lớn, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Hoàng Văn Toàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị nên rút kinh nghiệm kỹ hơn việc thí điểm tại các địa phương, đặc biệt là TPHCM để điều chỉnh vào Luật Phòng, chống ma túy nhằm bảo đảm tính pháp lý. Còn GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đưa ra phép so sánh: “Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (Bộ trưởng LĐ-TB-XH) nói nhờ có NQ 16 mà TPHCM tiết kiệm được 3.000 tỉ đồng (tiền người nghiện mua ma túy). Nhưng đó là tiền túi họ, không hút chích thì không mất, còn TP phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác cai nghiện, bằng cả ngân sách tỉnh Lạng Sơn một năm. Trong khi đó, TPHCM chỉ có thể chi cho khoa học 600 tỉ đồng”.

ĐB Hoàng Văn Toàn cho rằng việc cai nghiện cần phải được xã hội hóa như y tế, giáo dục mà các địa phương đã làm tốt trong thời gian qua, kêu gọi mọi người, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp (DN) cùng chăm lo cho các đối tượng cai nghiện. Để làm được việc này, luật cần quy định rõ chính sách, chế độ khuyến khích các DN, cá nhân tham gia công tác cai nghiện, tạo việc làm cho người đã cai nghiện. Cụ thể là sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN theo hướng bổ sung các cơ sở, DN sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy được miễn thuế thu nhập DN đối với phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, phải quy định rõ hơn về trách nhiệm của gia đình, vì thực tế không ít gia đình bàng quang trước sự lầm lỡ của con em, do ỷ lại sự chăm lo của Nhà nước và xã hội.

Tại buổi thảo luận, nhiều ĐBQH tán thành việc luật hóa tinh thần NQ 16 vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. “Vì nếu không tiếp tục đề án sau cai thì chúng ta sẽ phải trả giá” - ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) nhấn mạnh. Nhiều ĐB tỏ ra băn khoăn khi về chủ trương đưa người nghiện về cai nghiện tại cộng đồng. Về vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lo lắng: Đưa về cộng đồng, nghe có vẻ rộng mở, nhưng thực tế tại TPHCM từng làm việc này, nhưng kết quả rất hạn chế. Chủ tịch nước cũng băn khoăn về sự sơ hở, quản lý yếu kém của một số trung tâm cai nghiện, từ đó để xảy ra những vụ việc không hay như tuồn ma túy, một số người nghiện quậy phá... “Đây là vấn đề khiến tôi lo nhất” - Chủ tịch nước bày tỏ.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH – đề nghị ngày 1-8 tới, NQ 16 hết hiệu lực. Hiện cả nước còn 6.000 người đang được quản lý sau cai nghiện. Do đó, đề nghị QH ban hành NQ cho phép các địa phương được tiếp tục thi hành các quyết định quản lý người sau cai đã ban hành trước 1-8 cho đến thời điểm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực (dự kiến 1-1-2009).

Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, ĐB Phạm Trọng Khánh (Hải Phòng) không đồng tình với quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nghiện ma túy là một loại bệnh xã hội. “Phải khẳng định là không phải bệnh mà toàn là người đang khỏe mạnh đi hút, chích vào. Các loại bệnh chỉ phát sinh sau đó”. Trái lại, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) phân tích, không nên dùng từ “giáo dục” người nghiện mà chỉ nên coi người nghiện là con bệnh. Người nghiện không phải là tội phạm vì vậy không thể dùng từ giáo dục, ông Hồng Anh nhấn mạnh. Cần thay đổi tư duy đối xử với người nghiện, không nên coi là tội phạm. Nên thay đổi quan niệm và cách áp dụng với người nghiện với mục đích chính là chữa bệnh, việc học tập, lao động chỉ là thứ yếu. Có như vậy mới phản ánh được tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách của Đảng, Nhà nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo