Bị cáo Lê Ngọc Triện, nguyên đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong (phải), cùng Dương Chí Dũng tại phiên xét xử ngày 13-12 Ảnh: TTXVN
Hành vi phạm tội quá rõ
Theo VKSND TP Hà Nội, quá trình xét xử, các bị cáo nhận tội có mức độ, đổ trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau. Song, căn cứ vào kết quả thẩm vấn, người có liên quan, nhân chứng… cho thấy hành vi phạm tội của các bị cáo thể hiện rõ, phù hợp với chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Theo VKSND TP Hà Nội, dù chưa được Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT chưa bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam nhưng Dương Chí Dũng vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt một ụ nổi. Từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore). Đoàn của Vinalines khi đến Nga khảo sát đều biết chủ sở hữu 83M là Công ty Nakhodka (Nga), AP chỉ là công ty môi giới. Đoàn khảo sát đã nhận thấy ụ nổi 83M có giá dưới 5 triệu USD, hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006.
Nghe đoàn khảo sát báo cáo, Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) chỉ đạo: “Các ông cứ hoàn thiện báo cáo để mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP”. Với tư cách chủ tịch HĐQT, Dương Chí Dũng cũng có chỉ đạo tương tự. Từ ngày 17-3 đến 13-6-2008, Vinalines đã chuyển 9 triệu USD cho AP để mua ụ nổi. Khi thông quan tại cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), dù thấy ụ nổi đã hư hỏng, nhiều thiết bị không hoạt động được, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ hải quan không ghi thực tế vào biên bản mà ghi theo kê khai của Vinalines.
VKSND TP Hà Nội cáo buộc Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu, đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, phê duyệt việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại 367 tỉ đồng. Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) tham ô hơn 28 tỉ đồng. Trong đó, Dương Chí Dũng chiếm hưởng 10 tỉ đồng. Bị cáo Mai Văn Phúc cũng bị đánh giá có vai trò tương tự khi lên kế hoạch, ký trình để HĐQT Vinalines phê duyệt dự án, gây thiệt hại lớn và chiếm hưởng 10 tỉ đồng. Trần Hải Sơn giữ vai trò đồng phạm, giúp sức trong vụ án khi đã tham gia đoàn khảo sát, ký nháy báo cáo giám định ụ nổi không đúng thực tế, lập khống hợp đồng để nhận tiền, giúp các “sếp” thực hiện trót lọt thương vụ và tham ô hơn 7,8 tỉ đồng. Trần Hữu Chiều có vai trò đồng phạm, ký nháy giấy tờ thanh toán, được chia 340 triệu đồng từ tiền tham ô. Các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm.
Nhận vali tiền, bảo vali rượu
Trước đó, HĐXX xét hỏi để làm rõ 28 tỉ đồng tham ô từ thương vụ ụ nổi 83M mà các bị cáo đã chia chác. Theo lời khai của Trần Hải Sơn, sau khi nhận “hoa hồng” từ Công ty AP, bị cáo đã chia cho các bị cáo còn lại.
Tại tòa, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều chối không nhận số tiền “hoa hồng” này. Dũng còn cho biết vali mình nhận của Sơn tại TP HCM là vali rượu chứ không phải vali tiền như Sơn khai. Phúc bác bỏ và khai rằng: “Bị cáo không được ai hứa cho tiền và không được hưởng lợi gì. Ai đại diện nhận tiền, bàn bạc ăn chia, bị cáo không biết”.
HĐXX cũng tập trung củng cố chứng cứ từ các nhân chứng. Bà Trần Thị Hải Huyền (em Trần Hải Sơn, sống ở Hải Phòng) cho biết cuối năm 2008 tại Hải Phòng, bà đã chuẩn bị tiền để Trần Hải Sơn xếp vào vali. “Chiều tối hôm đó, anh tôi kéo vali tiền sang nhà mẹ vợ anh Dương Chí Dũng ở gần nhà tôi” - bà Hải Huyền khai. Tòa vặn hỏi: “Căn cứ vào đâu mà bảo kéo sang nhà mẹ vợ Dương Chí Dũng?”, bà Hải Huyền thuật lại: “Anh Sơn có nói, tiền này anh mang sang cho bác Dũng”. Bà Trần Thị Hải Hà (Giám đốc Công ty Phú Hà, người đã giúp Sơn nhận “lại quả” 1,666 triệu USD từ Công ty AP) khai nhận: “Tôi chứng kiến vào giữa năm 2008, anh Sơn nói sắp tới có bác Dũng “tổng” vào TP HCM công tác nên chuẩn bị khoảng 5 tỉ đồng để anh đưa cho bác khi bác vào khách sạn”.
Về phần chia cho bị cáo Mai Văn Phúc, bà Hải Huyền khai có lần nhận 3 tỉ đồng từ chị bà Hải Hà chuyển từ TP HCM ra, nhắn rút tiền đưa cho Trần Hải Sơn. Số tiền này để Sơn mang đi đưa cho Mai Văn Phúc. “Còn một lần nữa là cuối năm 2008, anh Sơn bảo chưa chuẩn bị kịp nên tôi chuẩn bị cho anh 2,5 tỉ đồng. Sau đó, anh Sơn bảo anh đi đám giỗ gì đó ở quê anh Phúc tại Hải Phòng” - bà Hải Huyền khai nhận. Nhân chứng Bùi Hoàng Long, chồng bà Hải Huyền, cũng khẳng định: “Hôm ấy, tiền xếp vào túi xách đen, túi to chứ không phải vali. Tôi hỏi đi đâu? Anh Sơn bảo sang nhà anh Phúc đưa tiền”.
Mức án đề nghị cho các bị cáo - Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines: Tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tội cố ý làm trái, tổng hợp tử hình. - Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc Vinalines: Tử hình tội tham ô, 20 năm tù tội cố ý, tổng hợp tử hình. - Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines: 19-20 năm tù tội tham ô, 9-10 năm tù tội cố ý làm trái, tổng hợp từ 28- 30 năm tù. -Trần Hữu Chiều, nguyên phó tổng giám đốc Vinalines: 13-14 năm tù tội tham ô, 9-10 năm tù cố ý làm trái, tổng hợp 22-24 năm tù. Các bị cáo nhóm “Cố ý làm trái”: Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin thuộc Vinalines) 8-10 năm tù; Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 6-8 năm tù; Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6) 6-8 năm tù; Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) 6-8 năm tù; Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 6-8 năm tù; Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 6-8 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, cơ quan công tố đề nghị tuyên buộc các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều liên đới bồi thường hơn 28 tỉ đồng đã tham ô, trong đó Dương Chí Dũng phải bồi hoàn 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. Mười bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền nhà nước bị thiệt hại 367 tỉ đồng. |
Cú điện thoại “bí ẩn” Bị HĐXX truy vấn về việc bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra tống đạt các quyết định khởi tố, Dương Chí Dũng khai nhận: “Khoảng 6 giờ tối 17-5-2012, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại của một người quen, nói với tôi là tránh đi. Tôi hoảng loạn và chỉ nghĩ làm sao “chạy” càng xa Hà Nội càng tốt. Vì cú điện thoại nên tôi mới hoảng loạn bỏ trốn thôi chứ nếu bình thường thì không bao giờ tôi trốn”. Khi bị tòa truy hỏi: “Người quen đó là ai?”, Dương Chí Dũng chỉ trả lời: “Đã khai với cơ quan điều tra bên an ninh” và xin phép không khai tại tòa. |
Bình luận (0)