Gần đây, số ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) tăng vọt. Trong đó, nhiều trường hợp do chủ quan, chậm đến cơ sở y tế điều trị.
Bệnh nhân ồ ạt nhập viện
Sáng 11-9, nhiều bệnh nhân SXH đã được tiếp nhận điều trị nội trú tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội). Từ 3 tuần qua, mỗi ngày Khoa Virus - ký sinh trùng tiếp nhận 10 - 20 bệnh nhân SXH.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng Khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã dành 80% giường bệnh trong khoa để điều trị SXH nhưng do số bệnh nhân tăng đột biến nên phải ghép 2-3 người/giường. Bệnh nhân SXH chủ yếu là người lớn, trong đó có nhiều thanh niên.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong 10 ngày đầu tháng 9, số bệnh nhân nhập viện do SXH tăng gấp đôi so với cả tháng trước đó. Nhập viện từ hôm 8-9, sau 4 ngày điều trị, chị N.D.L (25 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vẫn còn sốt cao, tiểu cầu giảm ở mức nguy hiểm, người nổi ban, chảy máu cam. Vì vậy, bác sĩ phải chỉ định truyền máu. Theo bệnh nhân L., trước khi nhập viện 1 ngày, chị sốt 41 độ C nhưng nghĩ bị cảm thông thường nên chỉ uống thuốc hạ sốt. Đến khi người lả đi, được người thân đưa đến bệnh viện, chị mới biết bị SXH.
Tại cuộc họp bàn biện pháp phòng chống SXH do Bộ Y tế tổ chức hôm qua, 11-9, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong 8 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 30.000 ca mắc SXH trên 50 tỉnh - thành, trong đó 18 ca tử vong. “Đáng lo ngại là muỗi truyền bệnh không di chuyển được xa nhưng người bị muỗi mang virus SXH đốt có thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, có thể di chuyển đến nhiều địa phương khác nhau. Do đó, nguy cơ dịch bùng phát toàn quốc là rất lớn” - ông Phu lo ngại.
Theo ông Phu, năm nay, dịch SXH có diễn biến bất thường. Số mắc ở miền Bắc chủ yếu là người lớn, trong khi phía Nam chủ yếu là trẻ nhỏ. Trong 18 trường hợp SXH tử vong, nhiều người do đến cơ sở y tế muộn. Số ca SXH ở Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2014, trong khi phía Nam tăng hơn 50%. Dự báo, năm 2015 là cao điểm của SXH do tính chất chu kỳ của dịch bệnh này.
Một người có thể mắc SXH nhiều lần
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết virus SXH có 4 dạng (type) khác nhau. Mỗi người đều có thể mắc SXH mỗi lần 1 type. Như vậy, 1 người có khả năng mắc SXH ít nhất 4 lần.
“Với những biểu hiện lâm sàng của SXH như sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn…, nhiều bệnh nhân dễ chủ quan, nhầm lẫn với sốt thông thường nên tự dùng thuốc hạ sốt. Vì vậy, nhiều ca nhập viện đã chuyển biến nặng như sốc, xuất huyết ngoài da, xuất huyết niêm mạc dẫn đến tử vong” - TS Kính phân tích.
Giới chuyên môn khuyến cáo không thể điều trị SXH tại nhà vì phải xét nghiệm máu, theo dõi tiểu cầu, từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Phải chủ động ngăn chặn dịch
Ngày 11-9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành chủ động các biện pháp ngăn chặn dịch SXH; triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất...
Bộ Y tế được yêu cầu chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Bình luận (0)