Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài, rút ngắn thời gian thu hoạch, tăng sản lượng muối nhưng diêm dân vẫn chưa thoát cảnh bế tắc trong tiêu thụ.
Chỉ còn người già và trẻ em làm muối
Cánh đồng muối huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có 156,8 ha, tập trung ở 2 xã Hải Lộc và Hòa Lộc. Hiện nay, xã Hải Lộc có 702 hộ (gần 50% hộ trong xã) sản xuất muối với tổng diện tích trên 100 ha. Có mặt trên những cánh đồng muối trong những ngày nắng nóng đầu tháng 6 mới thấy hết được nỗi cơ cực của diêm dân. Họ phải phơi lưng dưới nắng nóng, đối mặt với hơi nước bốc lên mặn chát.
Đang đội nắng, đẩy cát trên đồng muối, ông Trần Văn Minh (ngụ xã Hải Lộc) than thở: “Năm nay, muối được mùa nhưng giá lại rớt thê thảm. Đầu vụ, muối bán được 2.200 đồng/kg nhưng cuối vụ chỉ còn 1.200-1.400 đồng/kg, bằng một nửa so với năm trước. “Giá muối quá rẻ, lỗ nặng nên nhiều người không còn thiết tha với nghề, những người trong độ tuổi lao động bỏ xứ đến nơi khác kiếm sống. Nay cánh đồng muối chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em” - ông Minh bức xúc.
Nam Định cũng là địa phương nổi tiếng với những làng muối ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Trước năm 2000, tỉnh này có hơn 1.000 ha muối. Đến nay, diện tích muối chỉ còn trên dưới 500 ha, do giá muối không thể nuôi sống diêm dân.
Ninh Thuận là tỉnh có diện tích đồng muối lớn nhất nước với hơn 3.940 ha, sản lượng xấp xỉ 370.000 tấn/năm.
Giữa buổi sáng một ngày đầu tháng 6 nhưng nắng nóng đã như thiêu đốt. Bà Nguyễn Thị Hòa (46 tuổi, ngụ xã Tri Hải, huyện Ninh Hải - “thủ phủ” muối của tỉnh Ninh Thuận) cùng một số nhân công quần quật trên cánh đồng muối gần 7 sào của gia đình. Dù đã quen công việc nặng nhọc này hơn 20 năm nhưng thỉnh thoảng bà Hòa phải ngồi bệt xuống bờ ruộng thở để lấy lại sức.
“Trung bình, một tháng, tôi thu hoạch 30 tấn muối. Do giá muối từ đầu năm sụt giảm quá mức, chỉ khoảng 350.000-380.000 đồng/tấn nên thu nhập chỉ đủ trang trải tiền thuê người thu hoạch, lỗ chi phí đầu tư gần chục triệu đồng” - bà Hòa nhẩm tính.
Giá rẻ nhưng chẳng ai mua
Đầu tháng này, tại vùng muối lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu ở huyện Đông Hải, diêm dân vừa thu hoạch đồng loạt, muối chất đầy đồng nhưng giá rẻ mạt, chẳng ai đến mua.
Ông Nguyễn Văn Thiệp (ngụ ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) loay hoay che chắn ụ muối trong cơn mưa, than thở: “Ụ muối này trữ mấy năm rồi, chờ được giá sẽ bán nhưng càng chờ giá càng giảm. Vừa thu hoạch thêm vụ mới, không còn chỗ chứa muối, định bán quách cho rồi nhưng chẳng ai mua”.
Cạnh đó, nhiều diêm dân ngồi trong chòi canh giữa đồng, hướng ánh mắt đầy tâm trạng về các ụ muối lô nhô ven đường. Những ụ muối này được che phủ bằng lá dừa nước nhưng đã mục rã theo thời gian. Nhiều năm qua, muối ở Đông Hải phải nằm miết trong ụ do rớt giá. Vì vậy, diêm dân cứ lấy lá dừa phủ lên từ năm này sang năm khác chờ giá lên. Nhưng càng chờ lại càng thất vọng.
“Tôi vừa thu hoạch gần chục tấn muối nhưng phải bán tháo cho thương lái với giá 500 đồng/kg vì không còn chỗ trữ. Tôi còn cả trăm tấn muối chất bên đường, vài tháng trước thương lái hỏi mua hơn 1.200 đồng/kg. Lúc đó, do rẻ quá nên chưa bán, còn bây giờ, bán rẻ hơn một nửa chưa chắc có người mua” - diêm dân Lê Thanh Nghị (ngụ ấp Danh Điền) nói trong tuyệt vọng.
Ông Nguyễn Minh Đang, Chủ tịch UBND xã Điền Hải, cho biết diêm dân vừa thu hoạch hàng trăm tấn muối nhưng tiêu thụ chưa được 40%, có nơi chưa tới 20%. “Hiện nay, diêm dân chỉ bán muối được từ 500-700 đồng/kg, giảm gần một nửa so với năm trước. Với giá này, diêm dân không có lời, thậm chí không thu đủ chi phí thu hoạch” - ông Đang nói.
Tương lai mù mịt
Ông Nguyễn Mạnh Lân - Chủ tịch UBND xã Hải Chính, huyện Hải Hậu - cho biết trước đây, diện tích muối của địa phương rất lớn nhưng nay đã giảm nhiều. Địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy sản và trồng rau màu. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn nên không phải ai cũng có điều kiện chuyển nghề. Thậm chí, sau khi chuyển đổi, có hộ bị thua lỗ nặng nên số chuyển nghề chẳng được bao nhiêu.
Chiều 9-6, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết vấn đề quan trọng nhất đối với diêm dân là đầu ra. Họ sản xuất rồi tự mang muối tìm nơi khác tiêu thụ, có người chở cả xe muối lên các huyện miền núi để bán nhưng vẫn không khá hơn.
Để diêm dân ổn định sản xuất và tiêu thụ, năm 2009, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu triển khai thử nghiệm mô hình sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt trên sân kết tinh tại ấp Danh Điền. Phương pháp này cho năng suất cao, hạt muối trắng nhưng lại không hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Danh Điền, giải thích: “Cách làm mới có năng suất cao nhưng chi phí cũng cao, dẫn đến giá cao, khó tiêu thụ. Trong khi ngành công nghiệp, thủy sản địa phương lại dùng muối rẻ tiền, các tàu cá chỉ mua muối đen ướp cá để giảm chi phí… Giá thành muối cao nhưng thương lái ép bằng giá muối thường nên diêm dân đành quay lại cách làm truyền thống”.
Để giúp diêm dân ổn định sản xuất và tiêu thụ muối, tỉnh Bạc Liêu đã tính đến phương án xây kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải với tổng vốn đầu tư 38,37 tỉ đồng. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên đã nhiều năm qua, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Bình luận (0)