xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điện: Dễ cúp, khó bồi thường

Phương Anh

Việc xác định, đánh giá mức thiệt hại do lỗi của bên bán điện gây ra cho bên mua rất phức tạp và thường không đạt được sự thống nhất

Việc cúp điện luân phiên được thực hiện từ giữa tháng 4 nhưng dư luận rất bức xúc trước việc xử tệ của “ông nhà đèn” như cúp điện đột ngột không báo trước, cúp điện qua đêm, cúp điện nhiều lần trong ngày...
 
Các đoàn kiểm tra về việc tiết giảm điện của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tại 20 tỉnh, thành từ đầu năm đến nay cũng kết luận đã có những trường hợp cúp điện không đúng quy định.
 
img
Trong lúc ở nông thôn cúp điện 2-3 ngày/tuần thì ở TPHCM
những hộp đèn quảng cáo vẫn rực sáng suốt đêm. Ảnh: HỒNG THÚY
 
Bồi thường nhỏ giọt
 
Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết trong Luật Điện lực đã quy định nếu bên cung cấp có lỗi, gây thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường.
 
Nội dung này cũng được quy định rõ trong các điều khoản hợp đồng mua bán điện giữa hai bên. Nhưng trong thực tế, việc xác định, đánh giá mức thiệt hại do lỗi của bên bán điện gây ra cho bên mua rất phức tạp và thường không đạt được sự thống nhất.
 
Trước một tổn thất của thiết bị điện, bên mua điện nói nguyên nhân do chất lượng điện không ổn định, do cúp điện đột ngột...; còn bên bán lại khẳng định thiết bị hỏng do nguyên nhân khác.
 
Việc cúp điện luân phiên vào mùa hè diễn ra liên tục trong nhiều năm gần đây nhưng gần như chưa có thông tin nào về việc bồi thường của ngành điện.
 
Ông Phúc cho biết đến nay cũng mới chỉ có một số trường hợp điện lực phải bồi thường cho một vài hộ gia đình do tăng điện áp, đóng - mở điện không đúng quy định gây cháy thiết bị. Việc bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp hầu như chưa có.
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động điện lực, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của bên bán điện trong trường hợp cúp điện gây hư hỏng thiết bị của khách hàng. Dự thảo này chưa được Chính phủ thông qua.
 
EVN nắm đằng chuôi
 
Theo TS Nguyễn Quang A, không thể có chuyện bình đẳng giữa người mua điện với EVN. Bởi EVN nắm đằng chuôi, hợp đồng do EVN soạn sẵn, bên mua chỉ được ký.
 
Ví dụ, doanh nghiệp đang luyện dở mẻ thép, vận hành dở lò xi măng nếu bị cắt điện đột ngột làm hỏng cả mẻ thì còn có áp lực yêu cầu đền bù. Nhưng đối với điện dân cư, việc yêu cầu bồi thường gần như không thể vì không chứng minh được bị ốm đau do mất điện hay đảo lộn sinh hoạt gây thiệt hại về vật chất.
 
TS Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận quan hệ mua bán điện giữa EVN và người mua điện bất bình đẳng. “Khách hàng là thượng đế nhưng thượng đế của EVN được đối xử thế nào? Tôi vừa đi công tác ở Khánh Hòa, doanh nghiệp kêu thiệt hại rất nhiều vì bị cúp điện. Công nhân phải bố trí làm việc trắng đêm, ngày nghỉ theo lịch cúp điện. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống công nhân”.
 
Theo ông Doanh, việc chưa có nghị định hướng dẫn bồi thường thiệt hại của ngành điện cũng là lý do khiến doanh nghiệp chịu lép vế, không muốn kiện tụng. Về phía ngành điện, không phải bồi thường nên khó hạn chế tình trạng cúp điện sai nguyên tắc.
 
Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng chưa có trường hợp nào được bồi thường dù Luật Điện lực đã quy định. Điều này chứng tỏ luật chưa được thực thi nghiêm ngặt.
 

Khốn đốn vì cúp điện

 
Công ty TNHH May xuất khẩu Thái Dương (trụ sở tại phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do bị cúp điện trong gần 2 tháng nay nên một dây chuyền sản xuất phải ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Bình, trưởng phòng tổ chức nhân sự của công ty, cho biết sau 2 tháng bị cắt điện, hơn 160 công nhân đã bỏ việc vì việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh.
 
Cúp điện cũng khiến các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của người dân bị điêu đứng. Anh Hồ Minh Quốc (chủ cơ sở gò hàn, sửa chữa máy móc nông nghiệp ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết hầu như ngày nào cơ sở của anh cũng bị cúp điện, công việc bị đình trệ, thiệt hại mỗi tháng ước tính 10 triệu đồng.
 
Theo ông Phan Vinh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên – Huế, hơn một tuần trở lại đây phải thực hiện cắt điện từng ngày một đối với điện sinh hoạt. “Do nguồn điện được phân bổ từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho tỉnh Thừa Thiên – Huế giảm còn 2,67 triệu KWh/ngày, buộc phải tiết giảm 20-30 MW/ngày”- ông Vinh cho biết.

Q.Nhật

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo