xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổ bệnh vì khói bụi

Bài và ảnh: Thùy Dương

Nhiều thống kê đã chỉ ra tỉ lệ mắc các bệnh về hô hấp gia tăng có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2013 về không khí vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố, các hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí của Việt Nam phải kể đến là sản xuất công nghiệp, làng nghề, sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân...

Hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội

Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường - Bộ TN-MT, cho rằng môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ nhiều nguồn thải. Thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng không khí ở đô thị chưa có nhiều cải thiện.

Không khí chứa nhiều khói bụi độc hại do phương tiện cơ giới phát thải, nhất là ở những đô thị lớn
Không khí chứa nhiều khói bụi độc hại do phương tiện cơ giới phát thải, nhất là ở những đô thị lớn

Nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng không khí là các phương tiện cơ giới đường bộ không ngừng gia tăng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng các loại ô tô là 12%, xe máy khoảng 15% - cán mốc xấp xỉ 34 triệu chiếc năm 2011. Tốc độ gia tăng cao chủ yếu tập trung ở các phương tiện cơ giới cá nhân trong bối cảnh giao thông công cộng chưa được đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương có tốc độ gia tăng phương tiện giao thông đường bộ lớn nhất cả nước. Riêng tại TP HCM, số phương tiện giao thông đã chiếm đến 1/3 cả nước. Đáng lưu ý, ở nước ta, đa số phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu chính là xăng và dầu diesel, hiếm dùng nhiên liệu sạch nên áp lực lên môi trường không khí hết sức nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Thùy cho biết số liệu quan trắc giai đoạn 2008-2013 cho thấy ở các đô thị có mật độ giao thông lớn như Hà Nội, TP HCM hay Biên Hòa, nhiều thời điểm mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng 2-6 lần.

Đại diện Bộ TN-MT còn chỉ ra thực tế: Trong 15 năm qua, hàng loạt nhà máy thủy điện nhỏ được xây dựng khắp nơi dẫn đến việc phá hủy hàng hoạt diện tích rừng, làm giảm hấp thụ CO2 đáng kể. Chưa kể, 52 nhà máy nhiệt điện chạy than, 2 nhà máy nhiệt điện nguyên tử sẽ được xây dựng theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) cũng gây áp lực không nhỏ đến môi trường không khí.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương, năm 2013, các nhà máy nhiệt điện chạy than cũ như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại 1 chủ yếu là nhiệt điện ngưng hơi, sử dụng lò hơi tuần hoàn tự nhiên, công suất thấp, không đáp ứng được yêu cầu về môi trường như không áp dụng công nghệ xử lý khói thải, không đạt các chỉ số thông hơi ban đầu như thiết kế.

Với ngành xi măng và thép, Bộ Công Thương cũng đánh giá việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của các nhà máy chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều nhà máy xi măng sử dụng các thiết bị xử lý môi trường với hiệu quả thấp. Thậm chí, có nhà máy không vận hành các thiết bị lọc bụi vào ban đêm. Nhiều nhà máy thép chủ yếu nhập phế liệu về sản xuất thép chất lượng thấp. Đây là những nguồn gây ô nhiễm môi trường không nhỏ.

Có thể gây ung thư phổi

Theo ghi nhận của phóng viên tại các tuyến đường Nhổn - Cầu Diễn, Phạm Văn Đồng... (TP Hà Nội), mật độ phương tiện giao thông - đặc biệt là xe tải, xe container - dày đặc, xả ra lượng lớn khí thải và bụi. Chị Nguyễn Hồng Vân (đường Nguyễn Xiển, TP Hà Nội) cho biết từ khi gia đình chị chuyển tới sống tại khu vực này, cậu con trai 4 tuổi thường xuyên mắc các bệnh về mũi, họng dù trước đó rất ít bị. “Có thể do nút giao thông Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi mỗi ngày đều chật cứng xe cộ lưu thông nên không khí bị ô nhiễm nặng” - chị Vân phỏng đoán.

Thực tế, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra khi môi trường không khí ô nhiễm, sức khỏe con người cũng suy giảm, gây các bệnh hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, tim mạch và làm giảm tuổi thọ. “Nguy hiểm nhất là ô nhiễm môi trường có thể gây ra ung thư phổi. Trẻ em lứa tuổi học đường sống quanh các nút giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ rệt tới sức khỏe như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật” - một bác sĩ lo ngại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỉ lệ mắc cao nhất trên cả nước mà một trong các nguyên nhân chính là do ô nhiễm không khí. Tỉ lệ mắc các bệnh viêm phổi đứng đầu cả nước với 4,2%, sau đó đến viêm họng và viêm amiđan cấp - 3,5%, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản - 2,7%. Trên thế giới, năm 2010 đã ghi nhận 220.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Đáng lưu ý, những đô thị phát triển công nghiệp có tỉ lệ người mắc bệnh đường hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị ít phát triển. Trong đó, TP HCM là khu vực có tỉ lệ người mắc bệnh lao cao nhất cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng. Tỉ lệ bệnh nhân lao được phát hiện năm 2011 tại các địa phương này cao gấp 10-15 lần so với những nơi có hoạt động công nghiệp ít phát triển.

Kết quả nghiên cứu đến tháng 12-2010 cũng cho thấy tổng chi phí khám chữa bệnh về đường hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ bệnh đối với người lớn và chi phí nghỉ việc để chăm sóc người mắc bệnh đường hô hấp ở Hà Nội là 66,83 triệu USD/năm (với 2,5 triệu dân nội thành), TP HCM là 70,96 triệu USD/năm (5,6 triệu dân nội thành).

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho rằng ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề cũng như ở những tuyến đường giao thông đang là vấn đề nóng hổi, cần quan tâm; gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người cũng như quá trình “phát triển sạch” của đất nước. Do đó, theo Thứ trưởng Tuyến, việc đánh giá tác động của ô nhiễm không khí sẽ giúp bổ sung các chính sách, kế hoạch và giải pháp cải thiện môi trường ở nước ta.

Ông Nguyễn Văn Thùy nhấn mạnh để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa để tạo nguồn lực đến kiểm kê nguồn thải, giám sát hoạt động sản xuất công nghiệp và làng nghề. “Đối với các nguồn thải lớn, phải lắp đặt hệ thống giám sát khí thải ống khói, vận hành thường xuyên hệ thống quan trắc tự động. Các cơ sở phải thực hiện nghiêm túc việc giao nộp báo cáo phát thải hằng năm, nếu không tuân thủ có thể bị cưỡng chế” - ông Thùy yêu cầu.

Ngoài ra, một số giải pháp bảo vệ môi trường không khí cụ thể khác cũng được ông Thùy đề xuất, như nâng cấp chất lượng giao thông đô thị đi liền với việc hạn chế phương tiện cá nhân; duy trì tăng cường phun nước, quét đường; tăng mật độ cây xanh đô thị bởi thực tế diện tích trồng cây xanh quá ít, mới đạt trung bình 0,5 m2/người, trong khi theo tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10 m2 cây xanh để hấp thụ CO2 do họ thải ra.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ TN-MT băn khoăn: “Trong khi quy định về chất thải rắn đã có thì lại chưa có quy định cụ thể về quản lý môi trường không khí. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện khung pháp lý về xử phạt vi phạm ô nhiễm không khí. Trong đó, cần quan tâm đến ô nhiễm tiếng ồn bởi đây là một trong những loại ô nhiễm nguy hiểm nhất dù không nhìn thấy”. 

 

“Điểm nóng” làng nghề

Theo số liệu thống kê năm 2011, cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và hơn 3.200 làng có nghề. Trong đó, miền Bắc chiếm khoảng 60%, miền Trung 30%, miền Nam 10%. Hầu hết các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường. Theo số liệu thống kê, khí thải CO, SO2 tại 3 làng nghề Văn Môn, Đại Bái, Quảng Bố (tỉnh Bắc Ninh) vượt 1,05-1,68 lần so với tiêu chuẩn; nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép 1-5,3 lần. Tại Thái Bình, trong năm 2012, lượng khí thải do đốt rơm, rạ ước đạt 738.800 tấn CO2, 58.300 tấn CO. Tại Hà Nội, các làng nghề đều có ít nhất một thông số quan trắc chất lượng không khí vượt chuẩn cho phép 1,1-4,3 lần.

 

Không khí tại làng đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình bị ô nhiễm nặng do hoạt động cắt, xẻ đá  Ảnh: HIẾU HUỆ
Không khí tại làng đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình bị ô nhiễm nặng do hoạt động cắt, xẻ đá Ảnh: HIẾU HUỆ

 

Ghi nhận tại làng “mổ xe” Tề Lỗ (tỉnh Vĩnh Phúc) - làng nghề chuyên mổ xác xe và tân trang các loại xe - cho thấy mỗi ngày có hàng trăm tấn bùn đất, gỉ sắt thép, phế thải nhựa, kim loại đổ ra môi trường. Âm thanh phát ra từ các hoạt động tái chế kim loại cũng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống dân cư. Thông tin từ Trạm Y tế Tề Lỗ cho thấy hơn 50% dân cư tại đây có biểu hiện mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa.

Tại làng nghề chuyên tái chế chì (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), các hộ dân tiến hành phá dỡ bình ắc-quy tại nhà khiến hóa chất ngấm vào nguồn nước gây ô nhiễm trầm trọng. Chưa kể, không khí cũng bị ô nhiễm do ảnh hưởng của khói chì, bụi chì trong quá trình tái chế.

Làng đá Ninh Vân (tỉnh Ninh Bình) nhiều năm qua cũng bị ô nhiễm nặng bởi bụi đá xả vào không khí. Nhiều làng nghề cơ khí ở ngoại thành Hà Nội bị người dân phản ánh về việc không khí chứa đầy bụi độc bởi quá trình cán thép, sơn mạ, độ rung lớn, lượng bụi kim loại nhiều gây bệnh tai, mũi, họng...

Hiếu Huệ

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo