xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Do tin nên phạm tội (?!)

Kha Miên

“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như đã bật khóc khi các bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, giao dịch viên ngân hàng… thừa nhận vì quá tin tưởng vào uy tín, ảnh hưởng của Như nên vi phạm pháp luật

Trong phiên xét xử ngày 8-1, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ của VietinBank và các đơn vị, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nguyên đơn dân sự, người bị hại trong vụ án.

“Bỏ quên” luật pháp

Khai nhận tại tòa, các bị cáo nguyên là trưởng phòng, phó trưởng phòng, giao dịch viên của nhiều phòng giao dịch VietinBank đều cho rằng vì “quá tin tưởng và cả nể” nên đã bỏ qua nhiều công đoạn, thủ tục trong nghiệp vụ ngân hàng.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa ngày 8-1            Ảnh: TẤN THẠNH
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa ngày 8-1 Ảnh: TẤN THẠNH

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (SN 1981, nguyên giao dịch viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) thừa nhận với nhiệm vụ tiếp nhận và kiểm tra các thông tin, thủ tục hồ sơ cho vay, kiểm soát chứng từ để thực hiện việc giải ngân. Tuy nhiên, Tuyết Anh đã không trực tiếp gặp khách hàng, làm thủ tục giải ngân 55 hồ sơ tín dụng cho vay khi chưa có chữ ký của chủ tài khoản. “Mong HĐXX xem xét, bị cáo làm thế vì thực hiện theo chỉ đạo của trưởng phòng (tức Huyền Như - PV)” - Tuyết Anh nói.

Trong khi đó, bị cáo Bùi Ngọc Quyên (SN 1981, nguyên phó trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết Huyền Như mang về nhiều hợp đồng, khách hàng lớn cho ngân hàng nên sức ảnh hưởng rất lớn, không chỉ tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ mà còn cả hệ thống VietinBank. Cũng chính vì điều này, lúc tham gia duyệt hồ sơ vay vốn chưa có chữ ký của người vay và người bảo lãnh, Quyên vẫn “linh hoạt cho khách hàng” khi nghe Như cho biết đây là các khách hàng có uy tín, khẳng định đã tiếp xúc với họ, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ.

Tương tự, bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) làm sai nghiệp vụ vì “vừa tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị Như giao gì thì làm nấy”. Ngoài ra, Dũng còn khai Như là một cán bộ mẫn cán nên rất có uy tín và được nhiều người tin tưởng.

Bên cạnh các nhân viên VietinBank vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB) cũng vướng vòng lao lý vì tin Huyền Như. Từ tháng 1-2011 đến ngày 8-9-2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến VIB TP HCM vay tổng số tiền 480,3 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 40 hợp đồng tiền gửi tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè (do Như làm giả) mang tên các cá nhân mà không hề đến VietinBank Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng này.

Mất tiền tỉ cũng vì… dễ tin

Được mời lên với tư cách là người bị hại trong vụ án, ông Phạm Anh Huấn (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết thông qua người quen, ông đã đồng ý làm hợp đồng ủy thác đầu tư vốn số tiền 3,93 tỉ đồng với VietinBank (lãi suất 14%/năm) mà không kiểm chứng. “Tôi không trực tiếp đến VietinBank Chi nhánh Nhà Bè ký hợp đồng mà có nhân viên đến tận nhà làm thủ tục. Do thấy có chữ ký của giám đốc nên tôi tin tưởng thôi” - ông Huấn nói.

Tương tự, chị Lê Thị Kim Tuyến (SN 1970, ngụ Hà Nội) cho biết: “Lúc đó, tôi tính mua căn nhà mới nên bán căn nhà cũ được 7 tỉ đồng. Tôi ở Hà Nội, không trực tiếp đến ngân hàng nhưng có làm hợp đồng với VietinBank và chuyển tiền vào tài khoản do VietinBank ủy thác”. Một tuần sau khi chuyển tiền, chị Tuyến có nhu cầu sử dụng nên liên hệ với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Lúc này, chị Tuyến mới biết hợp đồng của mình không phải là hợp đồng thật. Không lấy được tiền, chị Tuyến phải tạm thuê nhà tá túc, cuộc hôn nhân của chị cũng đổ vỡ từ đó.

Nhiều người bị hại và nguyên đơn dân sự khác đều cho rằng chỉ giao dịch với VietinBank, đề nghị VietinBank hoàn trả số tiền cùng lãi suất theo quy định.

Hôm nay (9-1), phiên tòa tiếp tục.

Niềm tin mù quáng

“Tin tưởng” là từ được nhắc đến nhiều nhất trong phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như những ngày vừa qua.

Chỉ vì tin tưởng, các đồng nghiệp, thuộc cấp của Huyền Như đã dễ dàng “linh hoạt với khách hàng” mà bỏ qua nhiều công đoạn, thủ tục trong nghiệp vụ ngân hàng, thậm chí “quên” cả luật pháp.

Chỉ vì tin tưởng, nhiều người thân (trong đó có chị gái, cậu, em họ) và bạn bè Huyền Như đã vô tình tiếp tay cho cái xấu khi nghe theo sự chỉ đạo của “siêu lừa” mà thực hiện giao dịch chuyển tiền, đứng tên vay tiền tại ngân hàng.

Chỉ vì tin tưởng, các bị hại đã thiếu kiểm chứng trong quá trình làm hợp đồng ủy thác đầu tư vốn với VietinBank.

Xuất phát từ niềm tin mà người mất tiền, lao đao cả một số phận; kẻ vướng vòng lao lý, khép lại một đoạn tương lai.

Đại văn hào Pháp Victo Hugo từng nói: “Niềm tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không biết tin tưởng”. Thế nhưng, triết gia người Pháp Voltaire bảo: “Nghi ngờ không phải một trạng thái dễ chịu song tin chắc thì thật ngu xuẩn”. Hay người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi cũng cho rằng: “Niềm tin phải được gia cố bằng lý lẽ. Khi niềm tin mù, nó sẽ chết đi”.

Tin tưởng một ai đó hoặc một điều gì đó không phải là việc sai trái. Sai trái chính là tin tưởng một cách mù quáng hoặc vì quá tin tưởng mà bỏ quên nhiều giá trị khác như đạo đức, pháp luật. Và vì thế, khi lựa chọn ai đó để gửi gắm niềm tin, mỗi người phải hết sức cân nhắc, luôn nghĩ đến điều hơn lẽ thiệt.                                     

Trâm Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo