Không phải vì ngành đường sắt đã thay đổi cung cách bán vé để giúp khách hàng của họ bớt khổ mà vì người dân đang quay lưng với phương tiện vận tải này. Vé tàu đang ế ẩm. Nếu như những năm trước, vé tàu từ TP HCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào những ngày cận Tết đã bán hết hoặc còn không đáng kể thì thời điểm này, vẫn còn tồn tới 9.000 vé từ TP HCM ra Hà Nội và 12.000 vé từ Hà Nội trở vào.
Không ít người dân thường xuyên đi lại bằng đường sắt cho rằng việc ế ẩm là dễ hiểu. Bởi không như những ngành vận tải khác, khách hàng được trân trọng, phục vụ tận tình còn ngành đường sắt ỷ thế độc quyền, không cải thiện chất lượng dịch vụ nhưng giá lại cứ tăng. Vé tàu Tết năm 2014 tăng 10%. Trong khi đó, chất lượng bữa ăn trên tàu ngày càng tệ. Một chén cháo trắng bán 20.000 đồng, một chai nước suối giá bán gấp đôi thị trường...
Trong khi đó, so với ngành hàng không, vận tải đường sắt lép vế hoàn toàn về thời gian di chuyển, chất lượng phục vụ, trong khi giá vé tàu chưa hẳn đã cạnh tranh hơn máy bay. Vé tàu Tết từ TP HCM đi Hà Nội loại giường nằm khoảng 2,08-2,11 triệu đồng/vé, trong khi vé máy bay chỉ cao hơn 400.000-500.000 đồng. Thậm chí, có những thời điểm, giá vé máy bay rẻ hơn vé tàu. Bên cạnh đó, xe khách chất lượng cao chạy tuyến Bắc - Nam ngày càng nhiều, chất lượng luôn được cải thiện, giá lại rẻ hơn vé tàu.
Dù nắm trong tay hệ thống đường sắt từ Bắc vô Nam, kết nối khắp các địa phương nhưng doanh thu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam năm 2013 chỉ đạt hơn 11.000 tỉ đồng, lợi nhuận chỉ được 170 tỉ đồng.
Tại hội nghị của ngành giao thông mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định cần phải khuyến khích tư nhân tham gia ngành đường sắt. Có lẽ, đây là đòi hỏi từ thực tế và để khai thác tốt hơn hạ tầng đường sắt đang có. Nếu không thay đổi, ngành đường sắt khó có thể cạnh tranh với các loại hình vận tải khác đang có sự chuyển biến từng ngày.
Bình luận (0)