Công an TP Hà Nội đề xuất dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực nội đô để chống ùn tắc. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành đường sắt đã “phản pháo” và cho rằng ga đường sắt là đầu mối kết nối các phương thức vận tải, trong đó có vận tải đô thị, không thể chuyển được.
Di dời để làm gì?
Tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với TP Hà Nội hôm 15-4, đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết mỗi lần tàu chạy, ngành công an đã rất vất vả trong điều tiết giao thông. Ví dụ như ga Giáp Bát hằng ngày đều có việc dồn toa, chắn tàu hàng giờ, gây ùn tắc, nhất là tại khu vực Văn Điển. Vì những lý do đó, ông Hải kiến nghị ngành đường sắt dịch chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thủ đô.
Ông Hải cũng đề nghị ngành đường sắt phải tăng cường gác chắn, cải tạo đường ngang bên đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt để tạo thuận lợi, bảo đảm an toàn cho người dân. Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của lực lượng công an, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng cho rằng tai nạn đường sắt gia tăng trong thời gian qua dù Hà Nội đã có nhiều giải pháp bảo đảm hành lang an toàn giao thông.
Ngay sau lời đề xuất của đại tá Đào Thanh Hải, lập tức Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ông Trần Ngọc Thành, phản ứng và bày tỏ sự không đồng tình. “Vào giờ cao điểm hoàn toàn không có tàu hàng vào ga. Tàu khách lại càng không có chuyện dồn dịch” - ông Thành khẳng định.
Về việc đề xuất di chuyển ga của lãnh đạo Công an TP Hà Nội, ông Thành khẳng định rằng bản thân ông đi nhiều nước trên thế giới và “chả nước nào di chuyển ga ra khỏi thành phố”! Hơn thế nữa, ga đường sắt chính là đầu mối kết nối các phương thức vận tải, trong đó có vận tải đô thị, làm sao chuyển được.
Ông Thành tiếp tục bày tỏ sự không hài lòng: “Hôm nay anh muốn cho ga ra khỏi thành phố, dăm mười năm nữa các anh kết nối vào đâu?”. Người đứng đầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định ga đường sắt là câu chuyện lớn nằm trong quy hoạch của Chính phủ và do Chính phủ quyết định.
Càng xa càng bất lợi
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết vị trí nhà ga Hà Nội thuộc quy hoạch của Chính phủ, kiến nghị có chuyển nhà ga ra khỏi nội đô hay không phải do Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR, bản chất của các ga đường sắt trên thế giới, kể cả các nước phát triển, cũng đều nằm ở trung tâm đô thị vì có tính kết nối với các phương tiện vận tải khác như xe buýt, tàu điện ngầm. “Vì vậy, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm là phải giữ ga Hà Nội và ga Sài Gòn ở trung tâm thành phố” - ông Tùng khẳng định.
Còn TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng hiện nay, theo xu thế thế giới, các ga đầu mối giao thông đặt càng gần trung tâm đô thị càng tốt. Ông Sanh dẫn chứng: Ngày trước, từng có xu hướng đưa sân bay ra xa nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, các nước họ đã “hối hận” bởi những tưởng đưa các sân bay ra xa trung tâm giảm kẹt xe nhưng lại gây kẹt xe nhiều hơn rồi còn gây nhiều thiệt hại khác nữa.
Với Việt Nam, ông Phạm Sanh cho biết hiện nay, hầu hết các ga đường sắt đang nằm ở khu vực trung tâm của các đô thị, như vậy là hợp với xu thế chung của thế giới. Còn việc giải bài toán kẹt xe hay an toàn giao thông thì cái chính là bài toán quy hoạch đô thị, đó là giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, vấn đề nối kết giao cắt giữa đường sắt và đường bộ…
“Nếu chúng ta có tiền thì có thể làm đường sắt trên cao hoặc tàu điện ngầm trong đô thị, vừa an toàn vừa không ảnh hưởng môi trường” - ông Phạm Sanh nói.
Bất an hành lang đường sắt
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết số vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt tại Hà Nội đang gia tăng bởi tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt, việc mở lối đi dân sinh vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ông Hùng kiến nghị ngành đường sắt khẩn trương giải tỏa toàn bộ các trường hợp chiếm dụng kinh doanh buôn bán tại khu vực gầm cầu Long Biên, gầm cầu Thăng Long để trả lại thông thoáng và bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với đường ngang và hành lang an toàn giao thông đường sắt, vấn đề được cho là “bức xúc nhất tại Hà Nội”, ông Trần Ngọc Thành dẫn chứng: Hiện Hà Nội có 184 đường ngang; ngoài số đường ngang trên, địa bàn Hà Nội có trên 400 vị trí gọi là đường ngang dân sinh. Những đường ngang này, chúng ta đóng một thì nó nở ra 10. Thời gian tới, thành phố cần phối hợp với đường sắt rà soát lại toàn bộ.
Bình luận (0)