Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, lúc hơn 23 giờ ngày 25-12, một trận động đất 3,2 độ Richter đã xảy ra trên khu vực thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, độ sâu chấn tiêu khoảng 11 km. Một số người dân huyện A Lưới cho biết đây là trận động đất thứ 6 trong tháng 12-2015 tại khu vực này. Trước đó, tối 22-12, tại A Lưới cũng đã xảy ra động đất mạnh 3,4 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km, rung chấn kéo dài tới TP Huế.
Theo thống kê, từ khi hồ thủy điện A Lưới tích nước phát điện (năm 2014) đến nay, khu vực xung quanh đã có 16 trận động đất với cường độ cao nhất là 4,7 độ Richter (ngày 15-5-2014). Sau những trận động đất liên tiếp trong tháng 12-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất tại A Lưới.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh đã gửi công văn cho các nhà máy thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, hồ chứa Tả Trạch, yêu cầu phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, Sở Xây dựng tỉnh và các ban, ngành liên quan để nghiên cứu, lắp đặt máy quan trắc động đất tại các hồ chứa. Theo ông Hùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý lập dự án lắp đặt máy quan trắc động đất ở hồ chứa Tả Trạch.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đề tài cấp bộ về nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân động đất xảy ra ở A Lưới. Đề tài đã trình lên Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, cấp kinh phí thực hiện. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tổ chức tập huấn cho cán bộ huyện, xã về việc nhận biết động đất, cách phòng tránh và phát các tờ rơi hướng dẫn cho người dân. Viện Vật lý địa cầu cũng đã cử đoàn vào huyện A Lưới nghiên cứu, đánh giá và khuyến nghị chính quyền địa phương nên di dân ra khỏi các vùng nguy hiểm.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, khẳng định tại A Lưới có đới đứt gãy đang hoạt động nên tạo ra động đất. Tuy nhiên, nguyên nhân đứt gãy là do kiến tạo của vỏ trái đất hay tác động từ thủy điện thì cần nghiên cứu kỹ.
“Các trận động đất tại khu vực này có cường độ nhỏ và thưa, trong khi ở đây mới chỉ có một trạm quan trắc. Phải cần thêm ít nhất là 5 trạm đặt ở các vị trí khác nhau để quan trắc, đồng thời tiến hành song song các bước nghiên cứu mới tìm được nguyên nhân” - ông Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận.
Bình luận (0)