xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đồng đội giờ nơi đâu...

LÊ THANH HOÀNG

Tháng 12-1984, chúng tôi - hơn 500 tân binh Đồng Nai, huấn luyện tại Đoàn 778 Sông Bé - được lệnh sang chiến trường K - Campuchia. Tròn 30 năm gặp lại, anh em chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 30 người

Ngày đó, nơi chiến trường Battambang - Campuchia giáp biên giới Thái Lan, mỗi khi anh em gặp nhau trên đường hành quân, nghe giọng nói nhận ra cùng quê thì gọi là đồng hương. Hai tiếng đồng hương nghe sao ấm áp và nặng nghĩa tình. Anh em đồng hương thương nhau lắm! Nay cũng vậy, gặp lại thấy thân quen, dù không còn nhớ tên vẫn gọi là đồng hương, ôm nhau mà mắt ngân ngấn nước. Ngày trước, ai cũng mười tám đôi mươi, mặt còn búng ra sữa. Vậy mà nay, người thì đeo kiếng lão, kẻ bạc trắng đầu và không ít anh em đã có cháu nội, ngoại.

Chuyện xưa - chuyện nay

Để có buổi gặp mặt sau 30 năm thế này là nỗ lực không nhỏ của các đồng đội đồng hương Đồng Nai như: Thới, Sang (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc); Thái, Lý, Tùng  (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh)… Những lần gặp mặt ban đầu chỉ vài người và sau hàng chục năm, lần đông đủ nhất vẫn chưa đến 50 anh em. Các đồng đội, đồng hương tôi nay đâu?

Chưa thống kê hết được nhưng rất nhiều anh em đã vĩnh viễn rời xa bạn bè sau các trận đánh của những năm tháng từ 1984 đến 1989. Còn lần gặp mặt năm nay, chúng tôi chưa đầy 30 người mà đã có 2 thương binh 4/4, mất bàn chân vì mìn (Vũ Hoàng và Lê Thành Thái).

 

Cựu binh đồng hương Xuân Lộc gặp nhau tại Đồng Nai sau 30 năm sang chiến trường K
Cựu binh đồng hương Xuân Lộc gặp nhau tại Đồng Nai sau 30 năm sang chiến trường K

 

Một phút im lặng để thương nhớ những đồng đội không may mắn hy sinh rồi bài hát Vì nhân dân quên mình quen thuộc lại vang lên cùng những ánh mắt chứa chan tình yêu thương của các cựu binh với nhau. Chúng tôi ôn lại những trận đánh, những đêm nằm rừng phục kích địch, những chuyến hành quân lội bộ hàng chục, hàng trăm cây số với ba lô cùng súng đạn, lương thực mà nhớ đến đã rùng mình. Vậy mà ngày ấy, anh em huyện Xuân Lộc (nay tách làm huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ) đa số về Sư đoàn 309 và Đoàn 7708, không người nào bỏ ngũ.

Gặp lại nhau, không ai thiết đến ăn uống. Chúng tôi tranh thủ trò chuyện, tâm tư với bao nhiêu câu hỏi dồn dập, chuyện xưa - chuyện nay đan xen nhau. Những bài hát một thời mang chất lính: Nhánh lan rừng, Người chiến sĩ ấy, Cây đàn ghi-ta của đại đội 3… lại vang lên đầy niềm xúc cảm.

Niềm tự hào lỡ vận

Lý Trị là cái tên một thời mang lại niềm tự hào cho anh em đồng hương Xuân Lộc nơi chiến trường K. Qua Campuchia tháng 11-1984, Trị được biên chế về Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31, Sư 309 (D9, E31, F309). E31 của Trị là đơn vị chủ công của F309.

Nơi đóng quân của D9 nằm trên tuyến hành lang địch thường xuyên thâm nhập từ bên đất Thái sang Campuchia đánh phá. Chỉ qua hơn một năm tham gia tác chiến cùng các lính cũ trong đơn vị, Trị đã được giao làm trung đội trưởng khi quân hàm chỉ là trung sĩ.

Gặp lại nhau, Trị kể về một trong những trận đánh mà anh tham gia. Lần đó, Trị lên kế hoạch xin đại đội, tiểu đoàn cho trung đội mình đi phục kích. Trung đội của Trị chỉ còn 13 anh em khỏe mạnh. Họ mang 6 trái mìn định hướng ĐH10, mỗi trái nặng hơn 7 kg, cùng 4 khẩu hỏa lực (2 B40, 2 trung liên RPD) và AK, lựu đạn. Đến nơi, chiếm lĩnh trận địa, từng người tuân thủ theo đội hình bố trí, ngụy trang, ẩn nấp kín, không thuốc lá, không nói chuyện. 13 anh em nằm theo đội hình hàng ngang khoảng 80 m, liên lạc bằng sợi dây nối từ người này qua người kia.

 

Tân binh Xuân Lộc lúc ở quân trường Đoàn 778 năm 1984. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tân binh Xuân Lộc lúc ở quân trường Đoàn 778 năm 1984. (Ảnh do tác giả cung cấp)

 

Cơm vắt, nước suối, anh em nằm phục đến chạng vạng tối của ngày thứ ba thì địch xuất hiện. Quan sát lực lượng và hỏa lực của địch, Trị nhận định đây là cấp tiểu đoàn trên trăm quân với cối 82, ĐKZ 82, trọng liên 12,7 li… Chờ cho đội hình địch lọt vào trận địa phục, Trị ra lệnh bằng dây cho anh em và đến thời điểm tốt nhất, mìn khóa đuôi được kích nổ. Cùng lúc, mìn chặn đầu, mìn giữa đội hình, mìn phủ đầu theo kế hoạch lần lượt được đồng đội khai hỏa. Địch chưa kịp hoàn hồn thì hỏa lực từ trung đội của Trị đã đồng loạt gầm lên phủ đầu…

Đội hình địch tan rã, chạy tán loạn, tiếng kêu la, súng nổ náo động trong đêm. Sau tiếng mìn đầu tiên, theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, D9 cử toán quân chi viện kịp thời đến truy quét địch và hỗ trợ trung đội của Trị rút về an toàn. Sáng hôm sau, lực lượng ra thu dọn chiến trường đếm được mười mấy xác và các loại súng lớn, nhỏ, ba lô cá nhân… của địch vứt ngổn ngang.

Với nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công, 3 năm liền Lý Trị là chiến sĩ thi đua. Anh là một người trong 4 anh em của 3 sư đoàn vinh dự đại diện Mặt trận 479 về báo công ở Hội nghị Toàn quân năm 1987 tại Hà Nội. Được đơn vị động viên nhận sĩ quan tại chỗ nhưng vì hoàn cảnh gia đình (mẹ già neo đơn) nên cuối năm 1987, anh phục viên.

Về với đời thường, Lý Trị mưu sinh lo toan cho cuộc sống. Trải qua bao năm tháng, giấy tờ phục viên của anh thất lạc. Đến năm 2012, khi có chế độ hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ đối với các cựu binh làm nghĩa vụ quốc tế, Trị bó tay. Anh lên xuống huyện đội để lục tìm quyết định phục viên nhưng họ báo vì quá lâu đã thất lạc, tìm không ra.

Anh em đồng hương xót xa thương bạn mình phục viên không chế độ, không bảo hiểm y tế… Điều lớn lao hơn là danh dự của người lính. Từng chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, nay Lý Trị phải ngậm ngùi rưng rưng khi nhắc đến chuyện này.

Trường hợp của Trị không phải là hiếm, nhiều anh em ở các địa phương khác cũng gặp tình cảnh như vậy. Bản thân người viết bài này cũng không còn quyết định xuất ngũ. Tôi may mắn hơn Lý Trị khi tìm về đơn vị cũ gặp được bạn chiến đấu ngày xưa, nay là cán bộ của sư đoàn, giúp xác nhận và sao y bản chính. Ba anh em quê Bến Tre cùng đơn vị F309 với tôi, nhập ngũ năm 1982, cũng được xác nhận.

Nghĩa tình, trách nhiệm

Biết bao điều để kể, để nói, để nhắc lại thời quân ngũ nhưng cuộc vui nào cũng tàn, giờ chia tay rồi cũng đến. Người về Lâm Đồng, Bình Phước; kẻ quay lại TP HCM mưu sinh… Anh em tranh thủ dặn dò: “Nhớ tìm thằng Thìn đang ở Đắk Lắk”, “Hùng bò, Tâm cối 250 nghe nói đang làm ở Sài Gòn”… rồi những lời nhắn gửi hỏi thăm vợ con của đồng đội.

Thới, Trưởng Ban Liên lạc Xuân Lộc, ngậm ngùi: “Anh em mình còn gặp mặt, còn ngồi lại hàn huyên với nhau đây đã là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Biết bao nhiêu đồng hương đã ở lại nơi chiến trường xa. Có người đã về quê rồi nhưng cũng phải rời bỏ anh em ra đi vì những cơn sốt rét rừng, vì những di chứng, bệnh tật…”.

Trần Trung Phúc - nguyên thượng tá, cán bộ Huyện đội Cẩm Mỹ, nhập ngũ cùng ngày với chúng tôi - xúc động: “Lần đầu tôi đến với các bạn, thấy ấm áp và đầy nghĩa tình. Điều đáng quý nhất là các bạn đã tự tổ chức gặp mặt nhau đầy tình đồng đội. Tôi nghĩ rằng nếu tụi mình làm ngay một cuốn kỷ yếu - sổ tay nho nhỏ, trong đó ghi họ tên, quê quán, chỗ ở hiện nay, số điện thoại đầy đủ, mỗi người giữ một bản để thường xuyên liên lạc, thông báo cho nhau về đời sống, tìm kiếm thêm đồng đội ngày xưa… thì mỗi năm gặp mặt thêm đông hơn, ấm áp hơn”.

Chúng tôi chia tay với những lời hẹn hò ngày gặp lại. Trên đường về, lòng tôi sao bỗng rưng rưng, miên man nhớ đến một quãng đời gian nan nhưng đầy hào hùng của một thời áo lính.

 

Giúp cựu binh hưởng chế độ, chính sách

Thiếu tướng Phạm Xuân Trạo - Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên cán bộ chỉ huy các cấp B, C, D, E của F309, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1979 đến 1989 - trăn trở: “Anh em làm nghĩa vụ quốc tế chiến đấu ở chiến trường K ngày trước đã có nhiều hy sinh, gian khổ. Khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, ai cũng lo vất vả mưu sinh. Trải qua hơn 30 năm, nhiều người đã thất lạc giấy tờ quyết định xuất ngũ, phục viên. Khi còn là lãnh đạo ở F309, chúng tôi đã xác nhận cho nhiều anh em cựu binh tìm đến đơn vị nhưng đó là những trường hợp mà sư đoàn còn lưu giữ. Song, đâu phải anh em nào cũng có điều kiện tìm về đơn vị cũ được”.

 

Anh em đồng hương Xuân Lộc tại Quân y viện Sư đoàn 309 ở chiến trường Battambang - Campuchia năm 1987.
(Ảnh do tác giả cung cấp)
Anh em đồng hương Xuân Lộc tại Quân y viện Sư đoàn 309 ở chiến trường Battambang - Campuchia năm 1987. (Ảnh do tác giả cung cấp)

 

Thiếu tướng Phạm Xuân Trạo mong rằng các đơn vị quân sự ở quận, huyện nên có thông báo, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ anh em cựu binh ra quân thời ấy tìm lại hồ sơ lưu và xác nhận, sao y, để họ được hưởng các chế độ, chính sách theo Nghị định 62. “Chúng ta phải xem công việc đó là một hành động đền ơn, đáp nghĩa đối với anh em đã từng đóng góp máu xương cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” - ông bày tỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo