Nhìn lại chặng đường phát triển của TP HCM trong gần 30 năm đổi mới với vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP - đánh giá TP HCM có tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 2 con số và kéo dài liên tục gần 20 năm, GDP đầu người đã tiếp cận mức 5.000 USD/năm. TP HCM sớm trở thành một trung tâm kinh tế của cả nước với sự năng động, sáng tạo nổi bật.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Thành tựu, vị trí, vai trò ấy của TP HCM được tạo dựng từ quá trình hơn 300 năm hình thành và phát triển; từ sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TP, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 39 năm qua.
Nhắc lại những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình đổi mới mà nhiều thời điểm được xem là “xé rào”, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, nhìn nhận: “TP HCM đã có những bước đột phá, tháo gỡ nhiều vướng mắc, đấu tranh và từng bước giành thắng lợi trước những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ con đường đi và cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng”.
Chính sự đột phá đó mà trong 30 năm qua, TP HCM đã có những đóng góp vào sự hình thành chính sách và cơ chế vận hành kinh tế thị trường chung của cả nước. Trong đó, một số mô hình kinh tế của TP HCM đã trở thành chế định chung của cả nước.
Năm 1989, UBND TP HCM ban hành quyết định nhằm chế định các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Điều đó đã đóng góp vào sự hình thành các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo niềm tin cho tư nhân đầu tư kinh doanh.
Sự đột phá của TP HCM không dừng lại trong suốt hành trình đổi mới. Sau những công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần..., các khu chế xuất, khu công nghiệp, sở giao dịch chứng khoán... của TP HCM cũng ra đời đầu tiên trong cả nước.
Nhiều công trình quy mô
Một trong những thành tựu nổi bật của TP HCM là mạnh dạn phát huy, mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nhiều tuyến đường huyết mạch của TP được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp (DN) thông qua hình thức chuyển nhượng quyền khai thác cho các thành phần kinh tế.
Đầu tiên phải kể đến là cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn bắc qua sông Sài Gòn, một trong những biểu tượng của TP HCM. Bên cạnh đó là hàng loạt công trình quy mô khác như: đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt, tuyến đường Phạm Văn Đồng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Sài Gòn 2...
Trước tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu vực cửa ngõ, TP HCM đã tiến hành xây dựng 6 cầu vượt bằng thép. Hai cây cầu đầu tiên được đầu tư xây dựng tại cửa ngõ phía Đông TP là ngã tư Thủ Đức và ngã tư Hàng Xanh. Thấy hiệu quả, TP tiếp tục xây thêm 4 cầu vượt thép khác tại các nút giao thông.
TP HCM còn đi đầu cả nước về mạnh dạn thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị; xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình phát triển thị trường lao động, thị trường công nghệ. Vai trò chủ động của chính quyền TP còn được thể hiện qua việc tham gia điều hành kinh tế vĩ mô với các mô hình cụ thể như chương trình bình ổn thị trường, kết nối doanh nghiệp - ngân hàng…
Khơi dậy ý thức vươn lên
Ngay trong thời kỳ còn nhiều khó khăn, Đảng bộ TP HCM đã đặt mục tiêu giải quyết vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội khi phát triển TP. Trong đó, trọng tâm là xóa đói giảm nghèo, giải quyết sự phân hóa đô thị - nông thôn.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết từ chương trình “Xóa đói, giảm nghèo” được khởi xướng và kiên trì thực hiện vào đầu những năm 1990, đến nay là chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá”, hành trình chống đói nghèo của TP đã trải qua 3 giai đoạn. Thời gian thực hiện chương trình được rút ngắn, trong khi mức chỉ tiêu thu nhập của hộ nghèo không ngừng tăng lên.
“Cả hệ thống chính trị TP đã khơi dậy ý thức tự lực, ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên của người nghèo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tình tương thân, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào tốt đẹp - đặc trưng văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc ta, của TP ta. Đây là một trong những thành quả đặc biệt quan trọng và là nguyên nhân thành công của chương trình giảm nghèo tại TP HCM” - ông Lê Thanh Hải khẳng định.
5 năm thực hiện giai đoạn 3 của chương trình giảm nghèo, TP HCM đã chăm lo cho trên 130.000 hộ vượt qua mức thu nhập 12 triệu đồng/người/năm, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 8,4% vào đầu năm 2009 xuống còn 0,57% vào cuối năm 2013. Đặc biệt, TP HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015; hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm...
“Chương trình giảm nghèo luôn là một điểm sáng, một thành tựu đáng tự hào và là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và nhân dân TP HCM trong quá trình xây dựng, phát triển TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Bài học quý cho cả nước
Theo ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - TP HCM có vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay.
“Thực tiễn đổi mới ở TP HCM rất phong phú, đa dạng. TP HCM có rất nhiều kinh nghiệm trong 30 năm đổi mới. Đây là bài học quý cho sự phát triển kinh tế - xã hội TP HCM nói riêng và cả nước nói chung” - ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Bình luận (0)