Ngày 11-11, cơ quan chức năng của thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã đối thoại với 2 đơn vị cuối cùng chưa bàn giao mặt bằng để thi công dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên. UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh này đang làm hết sức để bàn giao mặt bằng theo chỉ đạo trước đó của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Chậm 1 ngày, bị phạt tiền tỉ
Ban quản lý dự án tuyến metro số 1 cho biết dự án này buộc phải di dời, giải tỏa khoảng 800 hộ, đơn vị doanh nghiệp ở TP HCM và Bình Dương. Trong đó, Bình Dương có gần 70 hộ, đơn vị kinh doanh “dính” dự án. Hiện chỉ còn 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng để thi công là Công ty TNHH Đại Thành và Công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát (đều thuộc địa phận phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An).
Ngày 11-11, ông Dương Hữu Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án tuyến metro số 1, cho biết lẽ ra toàn bộ mặt bằng phải bàn giao cho nhà thầu vào tháng 1-2013. Việc chậm bàn giao mặt bằng đã khiến nhà thầu bị thiệt hại nặng vì họ đã huy động máy móc, nhân lực... mà không thể thi công. Phía nhà thầu không chỉ kê khai tổn thất do chậm nhận mặt bằng mà còn kê khai thêm nhiều tổn thất khác và yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường 2,5 tỉ đồng/ngày chậm tiến độ. “Chúng tôi sẽ bồi thường. Hiện đang tính toán, xem xét mức bồi thường cho hợp lý nhất” - ông Hòa khẳng định.
Vấn đề cầp thiết nhất cho dự án lúc này là khoan khảo sát địa chất vùng đất giải tỏa. Phía Công ty Đại Thành đã cho nhà thầu khoan thăm dò nhưng phía Công ty Vĩnh Phát lại không cho. Hiện mặt bằng của Công ty Vĩnh Phát đang trưng bán rất nhiều xe máy ủi, máy xúc và nhiều tài sản khác nên luôn cắt cử bảo vệ trông coi. Việc khoan thăm dò nếu không có sự chấp thuận của lãnh đạo công ty thì không thể thực hiện.
Lý do không chính đáng, sẽ cưỡng chế
Theo nội dung buổi đối thoại giữa Công ty Đại Thành và lãnh đạo thị xã Dĩ An, nguyên nhân khiến doanh nghiệp này chậm bàn giao mặt bằng là do tranh chấp giữa Công ty Đại Thành với một cá nhân bên ngoài về việc hưởng tiền đền bù giải tỏa. Vụ tranh chấp đang được tòa án các cấp giải quyết.
Tổng giá trị đền bù đất (khoảng 7.500 m2) và nhà xưởng trên đất của Công ty Đại Thành là hơn 57 tỉ đồng. Hiện phía Công ty Đại Thành đã được tạm ứng 50% tiền đền bù, 50% còn lại đang được cơ quan chức năng gửi kho bạc và sẽ được chi trả khi có phán quyết của tòa án. Tại cuộc đối thoại, phía Công ty Đại Thành đã nêu ra một số yêu cầu nhỏ và đã được chính quyền thị xã Dĩ An hứa giải quyết. Ngay trong ngày 11-11, Công ty Đại Thành đã cho người tháo dỡ nhà xưởng. Ông Võ Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, yêu cầu Công ty Đại Thành phải tháo dỡ xong phần nhà xưởng trong 15 ngày để phục vụ thi công tuyến metro số 1.
Còn “nút thắt” khó tháo gỡ chính là Công ty Vĩnh Phát. Diện tích đất phải giải tỏa của công ty này gần 20.000 m2. Theo tính toán của Trung tâm Phát triển quỹ đất Dĩ An, số tiền đền bù cho Công ty Vĩnh Phát khoảng 125 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay Công ty Vĩnh Phát không chịu nhận tiền cũng như không chịu bàn giao mặt bằng.
Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo thị xã Dĩ An, bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty Vĩnh Phát, cho rằng cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương làm không đúng quy trình trong việc kiểm kê, thu hồi đất của Công ty Vĩnh Phát. Ông Giàu khẳng định khiếu nại này là không có cơ sở. Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư thị xã Dĩ An, đề nghị bà Lương cho đơn vị thi công khoan thăm dò trước phần đất của Công ty Vĩnh Phát. Thế nhưng, bà Lương chỉ nói “sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất”.
Theo một lãnh đạo của UBND phường Bình Thắng, những khiếu nại của bà Nguyễn Thị Lương chỉ là tiểu tiết. Lý do cơ bản bà không chịu giao đất là vì mức giá đền bù. Trao đổi với báo chí, bà Lương cho rằng mức giá đền bù 125 tỉ đồng là không hợp lý. Khi được hỏi bà yêu cầu mức giá như thế nào thì bà Lương không nêu ra được con số cụ thể.
Tối cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỏ ra thất vọng về thông tin Công ty Vĩnh Phát tiếp tục không cho khoan thăm dò, không chịu nhận tiền đền bù và giao mặt bằng. Ông Nam khẳng định bản thân ông và các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương đã lắng nghe và nhiều lần vận động Công ty Vĩnh Phát bàn giao mặt bằng nhưng doanh nghiệp này bất hợp tác và đưa ra những khiếu nại không chính đáng.
“Bây giờ dự án metro đã cấp bách lắm rồi. Tôi sẽ cho rà soát lại trường hợp này lần nữa. Căn cứ vào quy định pháp luật, chúng tôi sẽ cho cưỡng chế!” - ông Nam quả quyết.
Dự án đã bị trễ 2 năm
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, tiến độ dự án metro số 1 hiện đạt khoảng 22%. Hiện toàn dự án metro số 1 chỉ còn vướng mặt bằng liên quan đến Công ty Vĩnh Phát. Nếu doanh nghiệp này sớm bàn giao mặt bằng thì toàn bộ tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào vận hành khai thác vào năm 2020. Như vậy, tiến độ của tuyến metro số 1 cũng bị trễ 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
T.Đồng
Bình luận (0)