Hai địa phương đón nhiều du khách Trung Quốc (TQ) nhất miền Trung là Khánh Hòa và Đà Nẵng. Dù không ít du khách gây khó khăn cho cơ quan quản lý, phản cảm trong mắt người dân nhưng vấn đề cốt lõi là cũng chính họ mang lợi ích kinh tế cho ngành du lịch.
Khách nào cũng được trải thảm đỏ
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, liên tục trong những năm gần đây, du khách TQ luôn dẫn đầu lượng khách nước ngoài đến thành phố này. Năm 2014 có đến 15.000 lượt, năm 2015 tăng lên hơn 300.000 lượt và 6 tháng đầu năm 2016 đã có 211.000 lượt du khách TQ đến Đà Nẵng. Hiện tại, TP Đà Nẵng có 12 đường bay từ TQ đến Đà Nẵng, trong đó có 4 đường bay thường kỳ với 32 chuyến/tuần và 8 đường bay thuê tuyến với 22 chuyến/tuần.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, năm 2016, tổng lượng khách TQ đến địa phương này là 525.000 lượt, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2017, lượng khách TQ đến Khánh Hòa là gần 200.000 lượt. Doanh thu từ du lịch trong 2 tháng đầu năm 2017 cũng vượt 2.100 tỉ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ.
Ông Trương Văn Thọ, Giám đốc Công ty Vietnamtourism Charter JSC Chi nhánh Nha Trang - đơn vị chuyên khai thác thị trường du khách TQ, cho biết trong năm 2017, công ty dự kiến sẽ đưa 130.000 lượt du khách TQ đến TP Nha Trang. Du khách TQ thường lưu trú tại TP Nha Trang từ 4-5 ngày, ở khách sạn từ 3 sao trở lên. Họ rất thích ăn uống, đặc biệt các loại hải sản có giá cao như tôm hùm, cá mú, cua gạch... Du khách TQ cũng rất thích các đặc sản ở đây như yến sào, trầm hương, cao su và các loại nông sản như cà phê, hạt điều, hàng mỹ nghệ.
“Với mức độ chi tiêu cao, thích tự mình mua sắm nên không chỉ các công ty lữ hành mà tất cả người dân TP Nha Trang tham gia cung cấp dịch vụ đều hưởng lợi từ du khách TQ. Lượng du khách TQ đông đến nổi các công ty lữ hành không thể mua đủ phòng khách sạn để đón họ. Nếu biết cách khai thác thì TQ sẽ là thị trường cực kỳ tiềm năng và bền vững. Thay vì tâm lý “kỳ thị”, chúng ta nên có các giải pháp để thu hút và hạn chế tiêu cực mà du khách TQ đem lại” - ông Thọ nói.
Đừng phàn nàn, kỳ thị
Mức tăng quá “nóng” nên việc du khách TQ gây ra những bất tiện, có những hành vi không đúng mực là điều khó tránh khỏi. Nhiều chuyên gia về du lịch cho rằng thay vì cứ phàn nàn, lên án hoặc kỳ thị du khách TQ thì hãy tìm cách quản lý để phát triển du lịch.
TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều giải pháp để quản lý du khách nước ngoài, trong đó có bộ quy tắc ứng xử của ngành du lịch. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết bộ quy tắc này nhằm nhắc nhở du khách đến Đà Nẵng được làm gì và không nên làm gì. Bên cạnh đó, bộ quy tắc cũng khuyến cáo du khách phải hành xử văn minh, chấp hành tốt luật pháp của Việt Nam. Tại các điểm du lịch, TP Đà Nẵng đã gắn camera để kiểm soát và xử lý du khách vi phạm.
“Lực lượng thanh tra du lịch hiện nay khá mỏng, trong khi có nhiều vấn đề mà lực lượng này không có thẩm quyền giải quyết. Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã kiến nghị thành lập cảnh sát du lịch” - ông Vinh nói.
Để giải quyết những tiêu cực của du khách, UBND tỉnh Khánh Hòa liên tục tổ chức các cuộc họp, yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh hoạt động lữ hành, mở các đợt thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, ở các điểm tham quan đều đã có thuyết minh viên tiếng Trung và các bảng chỉ dẫn quy tắc ứng xử.
Các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đều có hợp đồng rõ ràng với đối tác TQ. Trong đó, quy định rõ điều gì được phép, không được phép, hướng dẫn viên (HDV) làm gì, các trưởng đoàn TQ làm gì. “Nếu HDV, trưởng đoàn, du khách phát hiện những sự việc không đúng thì có quyền yêu cầu, khiếu nại lên công ty để chấn chỉnh” - ông Phan Đức Giang, HDV tiếng Trung, nói.
Chấn chỉnh từ bên trong
Ông Ngô Quang Vinh thừa nhận quản lý du khách nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thiếu HDV tiếng Trung. Với quy định HDV phải có bằng đại học trong khi chuyên ngành nghiệp vụ du lịch chỉ có ở trường cao đẳng, trung cấp đang khiến các nhà quản lý “đau đầu”, không thể tìm đủ người làm việc. Chính vì thế, nhiều du khách TQ đã lợi dụng việc này để hướng dẫn “chui” tại Đà Nẵng.
Cùng nỗi khổ trên, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho rằng lượng du khách TQ tăng quá nhanh đã phát sinh nhiều lúng túng trong công tác quản lý: HDV không phép, niêm yết giá không đúng quy định, bán phòng “phá” giá... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng sân bay, nhà ga, bến cảng, các khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú luôn rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.
“Riêng về lượng khách TQ như hiện nay thì cần khoảng 300 HDV tiếng Trung, trong khi Khánh Hòa chỉ có... 65 người, phải mời thêm từ các địa phương khác khoảng 100 HDV” - ông Trung dẫn chứng.
“Trong một ngày, một vị khách TQ bị cướp 2 lần. Ăn hải sản, tôm hùm lề đường buổi chiều, buổi tối phải nhập viện vì ngộ độc. Taxi đi lòng vòng “chém” khách 500.000 đồng với quãng đường chỉ đáng giá 20.000 đồng. Giá bán các điểm tham quan, lưu trú tăng giá không ngừng… Đó là những thực tế mà du khách TQ phản ánh lại với chúng tôi. Nếu muốn làm du lịch bền vững thì phải bảo đảm an ninh, ổn định chất lượng, giá cả” - ông Trương Văn Thọ nêu.
Thành lập CLB du lịch đón khách Trung Quốc
Trong hội nghị với các doanh nghiệp du lịch mới đây, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo đề xuất của Sở Du lịch Khánh Hòa thì cần thành lập một CLB du lịch đón khách TQ. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần sớm tập hợp các DN để triển khai nhằm hạn chế những tiêu cực liên quan đến việc đón, phục vụ du khách TQ như đã xảy ra trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, sáng kiến thành lập CLB được các đơn vị đón du khách TQ ủng hộ. Các đơn vị này đã họp nhiều lần để định khung pháp lý, dự kiến quý II/2017 sẽ ra mắt CLB.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:
Quản lý chặt các doanh nghiệp lữ hành
Trong thời gian tới, những bất cập trong hoạt động kinh doanh lữ hành, quản lý điểm đến, HDV... cần được chấn chỉnh. Tổng cục Du lịch sẽ không ngừng nâng cao năng lực của các công ty du lịch Việt Nam, nhất là đội ngũ HDV du lịch cho du khách nước ngoài, trong đó có thị trường du khách TQ, đáp ứng được số lượng và chất lượng.
Mọi du khách luôn được chào đón tại Việt Nam. Đối với ngành du lịch, TQ là một trong những thị trường quan trọng, chiếm tỉ trọng cao, chúng ta không nên kỳ thị với bất cứ du khách nào. Du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương quản lý chặt các doanh nghiệp lữ hành đưa đón khách quốc tế. Kiên quyết không để tình trạng doanh nghiệp lữ hành không đủ năng lực đón khách, gây ra tình trạng lộn xộn như thời gian qua.
Ông Hoàng Văn Thành, Giám đốc tài chính Công ty Đa Song (TP HCM):
Nâng tầm quản lý để thu hút du khách
Du lịch là một trong những ngành “gà đẻ trứng vàng” nên hầu hết các quốc gia đều đầu tư phát triển. Mỗi du khách đến là một nguồn lợi và là một “đại sứ” du lịch cho quốc gia nếu chúng ta biết làm cho họ hài lòng. Ở đâu cũng vậy, khi công cụ quản lý kém thì sẽ phát sinh những vấn đề tiêu cực. Thay vì chỉ đổ lỗi cho du khách thì hãy nâng tầm quản lý và chấn chỉnh tất cả những bất cập của ngành du lịch hiện tại.
Những bài học về quản lý du khách có nhiều ở các nước phát triển. Tại Singapore, du khách không bao giờ dám xả rác, vẽ bậy hoặc hút thuốc nơi công cộng. Những vi phạm trên, ngoài bị phạt tiền còn có thể bị phạt roi. Tại các nước châu Âu, du khách sẽ được đón tiếp nồng hậu nhưng vi phạm quy định thì bị phạt nặng...
Y.Anh - P.Hồ ghi
Bình luận (0)