Lợi dụng chính sách ưu đãi của các hãng hàng không đối với hành khách là trẻ em, nhiều gia đình đã “sáng tạo” cách thức tiết kiệm chi phí đi lại bằng chiêu dùng giấy khai sinh (GKS) giả mạo khai bớt tuổi của con. Nếu không lọt được cửa an ninh, việc này vừa dẫn đến mất thêm tiền, trễ chuyến bay vừa bị ghi tên vào “sổ đen” vi phạm hành chính.
Tìm cách lách quy định
Ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh Cục Hàng không Việt Nam, cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, trong hoạt động vận tải hàng không bắt đầu xuất hiện xu hướng hành khách có con nhỏ dùng GKS giả hoặc mượn GKS của trẻ dưới 2 tuổi để mua vé rẻ. Chỉ trong tháng 2-2014, đã có 24 trường hợp bị phát hiện.
Đáng lưu ý, những vi phạm này xuất hiện nhiều ở sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Đây là sân bay địa phương, mỗi ngày chỉ đón vài chuyến bay nhưng có hôm, lực lượng an ninh hàng không (ANHK) phát hiện tới 5 vụ vi phạm của hành khách đi trên các chuyến bay Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA) và VietJet Air (VJA).
Ngày 27-1, hành khách Nguyễn Thị Lý (ngụ Đắk Lắk, quê Nghệ An) có con là Cao Mỹ Duyên sinh năm 2011 nhưng sử dụng bản sao GKS sửa năm sinh thành 2012 đi trên chuyến bay BL578 (Buôn Ma Thuột - Vinh), bị nhân viên an ninh phát hiện. Cũng trên chuyến bay này, hành khách Trần Thị Thúy Diễm (ở Đắk Nông) có con là Đậu Quỳnh Chi sinh năm 2011 nhưng đem theo bản sao GKS sửa thành năm sinh 2012 cũng bị phát hiện.
Cùng ngày, 2 hành khách đi trên chuyến bay VN1600 của VNA (hành trình Buôn Ma Thuột - Vinh) dùng chiêu tương tự hòng gian lận tiền vé cũng bị nhân viên ANHK phát hiện, ngăn chặn. Trong đó, ông Dương Xuân Hạnh (ở Đắk Nông) có con là Dương Hoàng Nguyên đã 4 tuổi nhưng sử dụng bản sao GKS ghi năm sinh 2012, tức dưới 2 tuổi.
Theo quy định của VNA, trẻ dưới 2 tuổi chỉ trả 10% vé, từ 2 đến 12 tuổi phải trả 75% vé. Với giá vé Buôn Ma Thuột - Vinh là 2,2 triệu đồng, nếu không bị phát hiện, ông Hạnh sẽ gian lận được 1,98 triệu đồng. Tuy nhiên, không qua được cửa ANHK nên ông Hạnh không những bị phạt tiền mà còn trễ chuyến bay.
Các hãng hàng không giá rẻ hiện chỉ áp dụng 2 loại giá, gồm giá vé đủ và miễn phí cho trẻ dưới 2 tuổi, nên càng đánh vào lòng tham của một số hành khách. Ngày 29-1, trong 5 trường hợp gian lận tuổi bị phát hiện thì có 3 trường hợp khách đi trên chuyến bay của hãng giá rẻ VJA và JPA. Giá vé từ Buôn Ma Thuột đi Vinh của 2 hãng này vào khoảng 1,358 triệu đồng, vé đi Hà Nội là 2,161 triệu đồng.
Xuất hiện cò dẫn khách
Lãnh đạo Phòng An ninh - Cục Hàng không Việt Nam còn quan ngại trước tình trạng hành khách dùng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đi máy bay, xuất hiện trong vòng 1 năm nay. Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an xác minh các vi phạm để có biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn và sự thiếu hiểu biết của một số hành khách, tình trạng này lại rộ lên gần đây.
Đáng lo ngại hơn, đầu năm nay, ngành hàng không lần đầu tiên ghi nhận có hiện tượng cò dẫn khách đi lọt cửa soi chiếu an ninh để lên máy bay. Trên chuyến bay VJ8630 từ TP HCM đi Vinh, gia đình hành khách Sa Phi Ta gồm 4 người không được làm thủ tục lên máy bay vì cô con gái sinh năm 1998 không có CMND (chỉ mang GKS). Một người đàn ông đã gợi ý bà Sa Phi Ta muốn bay thì đưa 1,2 triệu đồng. Hành khách này đồng ý và được dẫn qua cửa kiểm tra an ninh, lên chuyến bay về đến Vinh trót lọt.
Sự việc sau đó được chính hành khách phản ánh đến báo chí. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu kiểm tra làm rõ. Cảng vụ Hàng không Miền Nam đã kiểm tra băng ghi hình qua hệ thống camera, mời hành khách đến nhận dạng và xác định cò sân bay là Đào Đức Hiếu.
Trước đây, Hiếu là cán bộ bốc xếp của Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất thuộc VNA, hiện đã nghỉ việc. Do làm ở sân bay có quen biết nên khi gặp mối, Hiếu nhờ nhân viên an ninh soi tên Hoàng Quốc Hùng giải quyết cho hành khách qua cửa. Hùng đã đến cửa check in bảo lãnh cho hành khách không CMND nêu trên và gọi điện nhờ nhân viên an ninh đang trực soi chiếu là Lê Văn Phúc cho người này đi qua. Cả Hùng và Phúc đều bị đình chỉ công tác 1 tháng.
Cảng vụ Hàng không Miền Nam kiểm tra tất cả băng ghi hình lưu trữ trong 30 ngày và phát hiện không có hành vi nào tương tự, chứng tỏ đây là trường hợp cá biệt, xảy ra lần đầu nhưng cũng đáng quan ngại.
Cơ quan chức năng vừa trục xuất 15 hành khách quốc tịch Eritrea đến từ Siem Reap - Campuchia do khi làm thủ tục quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Đức và Anh đã dùng visa giả.
Tăng cường an ninh cấp độ 1
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm ANHK Tân Sơn Nhất, cho biết thực hiện công điện của bộ trưởng Bộ GTVT ngày 8-3 về việc tăng cường ANHK cấp độ 1, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai các biện pháp, như: tăng lực lượng, phương tiện, thiết bị để tuần tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa, hành lý, hành khách trước chuyến bay, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay đi và đến sân bay này.
Theo ông Tuấn, trung tâm đã tăng cường 40% quân số để thiết lập các khu vực trọng điểm, tuần tra khép kín, tăng cường các điểm kiểm tra an ninh. Với hành khách đi quốc tế, lực lượng ANHK còn kiểm tra cả giày dép, áo khoác, dây thắt lưng để phòng ngừa mang theo chất nổ, vũ khí… Sau khi hành khách đi qua máy soi mà không có tín hiệu về kim loại thì lực lượng ANHK kiểm tra ngẫu nhiên bằng trực quan (10% hành khách). Lực lượng ANHK còn dùng nhiều thiết bị để kiểm tra chất nổ trong hành lý.
Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm của sân bay Tân Sơn Nhất cũng được tăng cường và tổ chức tuần tra khép kín để kịp thời ứng phó trong trường hợp an ninh trật tự, an toàn tại nhà ga bị uy hiếp. Lực lượng an ninh còn phối hợp với công an phường, quận, cảnh sát 113, CSGT duy trì trật tự luồng tuyến giao thông khu vực cửa ngõ sân bay. Bên cạnh đó, ANHK ở sân bay Tân Sơn Nhất còn tiến hành thẩm vấn ngẫu nhiên hành khách để ngăn ngừa, nhận diện các đối tượng trà trộn trong khu vực hạn chế, sử dụng giấy tờ tùy thân không đúng... P.Dũng
Bình luận (0)