Trường hợp mới nhất mà dư luận biết tới là việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá hơn 5.000 tỉ đồng so với mức được phê duyệt ban đầu (gấp 2,5 lần). Dù lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư dự án) cho rằng việc đội giá có nhiều nguyên nhân như chuyển từ đầu tư bằng ngân sách nhà nước sang phát hành trái phiếu công trình, vay vốn lãi suất cao (16%/năm), trượt giá nguyên vật liệu… nhưng vẫn khó lòng thuyết phục được dư luận.
Triển khai ì ạch
Dự án mở rộng Đường 5 kéo dài (quận Long Biên và huyện Đông Anh, Hà Nội) được phê duyệt lần đầu năm 2005 với tổng mức đầu tư 3.131 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, BQL Dự án hạ tầng Tả Ngạn (chủ đầu tư) mới có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin tăng tổng mức đầu tư lên gấp đôi (khoảng 6.663 tỉ đồng). Lý do tăng mà chủ đầu tư đưa ra rất nhiều nhưng theo khảo sát của HĐND TP Hà Nội sau đó, dự án đã chậm tiến độ tới 5-6 năm so với phê duyệt (?!).
Theo BQL Dự án cầu Nhật Tân, cầu dây văng Nhật Tân (nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô (10-10-2014) với tổng mức đầu tư trên 13.626 tỉ đồng. Dự án này được phê duyệt năm 2006 nhưng mãi tới tháng 3-2009 mới chính thức khởi công hạng mục đầu tiên và đội giá trên 6.000 tỉ đồng.
Những công trình nói trên hiện không phải là cá biệt.
Tiềm ẩn những “khoảng tối”
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thừa nhận việc công trình đội giá ngàn tỉ chủ yếu rơi vào lĩnh vực xây dựng, giao thông. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đội giá nhưng tiềm ẩn là những “khoảng tối” không dễ dàng minh bạch.
Để xử lý đội giá, tháng 9-2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường quản lý chất lượng, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông do bộ quản lý, đầu tư. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, phải thay đổi giải pháp thiết kế dẫn đến điều chỉnh dự án do vượt tổng mức đầu tư được duyệt, người đứng đầu đơn vị (chủ đầu tư, BQL dự án, tư vấn) phải chịu trách nhiệm kiểm điểm trước bộ trưởng và pháp luật. Các dự án khi trình Bộ GTVT xin chủ trương điều chỉnh phải báo cáo rõ nguyên nhân điều chỉnh, tổng mức đầu tư và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Trường hợp lỗi do tư vấn, BQL dự án dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư kiến nghị hình thức xử phạt và khắc phục hậu quả về mặt kinh tế theo quy định và hợp đồng đã ký kết.
Quản lý thiếu chuyên nghiệp
Theo PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trước đây, có tình trạng chủ đầu tư luôn đưa ra mức giá thấp, thậm chí phi lý để được thông qua. Sau đó, trong quá trình thương thảo hợp đồng mới ngã giá cụ thể và dẫn đến tình trạng thẳng tay nâng giá, đội giá so với mức được duyệt. Ông Liêm cho rằng đa số công trình đội giá ngàn tỉ đồng là hệ quả của việc ký kết, phê duyệt đầu tư cách đây nhiều năm.
Theo ông Liêm, để xử lý triệt để bài toán công trình xây dựng, giao thông đội giá thì cần có những chiến lược căn cơ, dài hạn. Ngoài việc quy hoạch có tầm nhìn chiến lược để hạn chế khâu giải phóng mặt bằng thì trong các hợp đồng ký kết phải ràng buộc trách nhiệm kinh tế, pháp luật. “Công trình nào cũng kéo dài, chậm tiến độ từ vài năm tới cả chục năm thì sao có thể giữ được giá ban đầu, trong khi chi phí xăng dầu, điện, nguyên vật liệu, lương công nhân viên… đều tăng. Vấn đề mấu chốt hiện nay, theo tôi là do quản lý dự án thiếu tính chuyên nghiệp. Đơn vị quản lý dự án không am hiểu sâu về lĩnh vực mà mình đang quản lý thì làm sao đủ sức phát hiện tiêu cực. Với các dự án lớn, tôi từng đề nghị thuê tư vấn nước ngoài, chứ mình chưa thể quản lý được” - ông Liêm nói.
Đâu vẫn vào đấy!
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi giữa năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất bức xúc khi đặt vấn đề: “Có công trình nào không đội giá, thậm chí còn đội giá vô cùng lớn, thế mà vẫn đâu vào đấy. Công trình cả ngàn tỉ mà cứ chạy theo điều chỉnh giá dẫn đến đắt nhất thế giới. Dây dưa kéo dài tiến độ để điều chỉnh giá, tiêu cực chạy cho trúng thầu mà không bắt, không xử được”.
Bình luận (0)