Song song với việc xây dựng làng, xã, gia đình văn hóa, cổng làng, xã văn hóa cũng đua nhau mọc lên cho “xứng tầm”. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa, cổng làng, xã đã và đang được xây dựng ồ ạt, chẳng theo một khuôn mẫu hay sắc thái gì cả. Nhiều người lo ngại điều này đến lúc nào đó sẽ phản cảm, mất tác dụng.
Nơi hoành tráng, chỗ sơ sài
Để có cái nhìn đa chiều, chúng tôi đã đi thực tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhận ra rằng cổng làng, xã to hay nhỏ còn phụ thuộc vào điều kiện từng vùng. Nhiều nơi, cổng làng, xã hoành tráng hay khiêm tốn không liên quan gì đến “văn hóa”, thể hiện sự phân biệt rất rõ ở miền xuôi và miền núi.
Tại huyện Nông Cống, đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy cổng làng, xã. Theo ông Lê Đình Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Nông Cống, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50% làng (thôn, xóm) là có cổng văn hóa. “Chi phí xây dựng cổng làng là từ tiền của người dân đóng góp và kêu gọi con em xa xứ, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ… Vì thế, người dân xây như thế nào, làm ra sao là việc của họ” - ông Thức giải thích.
Đến xã Trung Chính, huyện Nông Cống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đồ sộ của cổng làng văn hóa Đông Cao. Theo người dân địa phương, cổng làng này xây năm 2008, được thiết kế 3 tầng với 2 mái trên cao cong cong như đình, chùa, họa tiết hoa văn tô vẽ rất bắt mắt. “Cổng làng này xây dựng ngót nửa tỉ đồng đấy” - một người dân Đông Cao tự hào. Tuy nhiên, so với vẻ nghèo khó toát lên từ nhà cửa, đường sá và cuộc sống của dân làng, cổng văn hóa này quá hoành tráng đến mức phản cảm.
Một cổng làng văn hóa khác cũng quy mô không kém Đông Cao, được liệt vào dạng lộng lẫy và đồ sộ nhất tỉnh Thanh Hóa, là cổng làng Phú Khê, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa. Kinh phí xây cổng làng này lấy từ tiền quyên góp của những người dân địa phương và xa xứ. “Chúng tôi phải cất công đi tìm hiểu rất nhiều địa phương trong cả nước mới xây được chiếc cổng làng như thế” - một bô lão ở làng Phú Khê tự mãn.
Trái ngược với những cổng làng, xã hoành tráng, uy nghi ở các huyện đồng bằng, khi đến nhiều vùng miền núi Thanh Hóa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy đa số cổng được làm rất sơ sài. Một số nơi chỉ dùng những thanh tre, thanh nứa dựng lên rồi treo băng rôn ghi tên làng, xã - thế là xong. “Cuộc sống còn nghèo khó, miếng ăn còn lo chưa xong, quyên góp tiền người dân xây dựng cổng làng, xã cho đàng hoàng là rất khó” - một cán bộ xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, phân trần.
Phô trương, hình thức
Hiện nay, việc xây dựng cổng làng, xã văn hóa sao cho toát lên được ý nghĩa nhân văn, truyền thống địa phương… hầu như rất ít nơi ở Thanh Hóa đạt được. Ngoại trừ những địa phương có bề dày lịch sử, đa số cổng làng, xã đều xây cho oai, phô trương, hình thức nhưng không có chiều sâu. Chưa kể quanh việc xây dựng cổng làng, xã cũng có nhiều chuyện “bi hài”.
Tại 2 huyện Nông Cống và Hoằng Hóa, rất nhiều người dân không thể hiểu được ý nghĩa của những câu đối, câu thơ được viết bằng chữ Hán - Nôm của cổng làng mình. Họa hoằn vài bậc cao niên và người viết những câu thơ, câu đối đó mới có thể hiểu. Nhiều cổng làng, xã, bên cạnh chữ Hán - Nôm, người ta lại khắc chữ Việt dịch lại bên cạnh.
“Cổng làng hiện nay không cần viết chữ Hán, chữ Nôm làm gì. Thế hệ trẻ bây giờ còn ai sử dụng loại chữ đó đâu? Viết song song 2 loại chữ, tôi thấy cũng không hợp, đông tây kim cổ cứ lẫn lộn khiến cho cổng làng không có được nét riêng mà có cái gì đó rập khuôn, sáo rỗng. Cổng làng cũng không cần thiết phải xây to, hoành tráng, điều cần thiết là phải làm sao để toát lên được cái hồn quê là đủ” - ông Nguyễn Văn Kim, ngụ xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, nhìn nhận.
Ông Lê Đình Thức còn chỉ ra một bất cập khác trong việc xây cổng làng văn hóa, đó là một làng có rất nhiều cổng. “Làng Tập Cát, xã Minh Thọ, huyện Nông Cống chẳng hạn. Trong khi chỉ cần xây cổng làng Tập Cát là đủ thì 3 thôn Tập Cát 1, 2 và 3 ở đây lại đua nhau dựng 3 cổng làng. Người dân cho rằng các thôn ở xa nhau, có nhiều lối đi nên phải xây 3 cổng. Rất nhiều làng quê ở Thanh Hóa hiện nay, đầu xã có cổng xã, đầu làng có cổng làng nhưng trong làng lại có thêm nhiều cổng nữa” - ông Thức băn khoăn.
Ngoài ra, việc xây dựng cổng làng, xã văn hóa ở một số nơi còn phải đập đi làm lại rất nhiều lần, do đặt không đúng vị trí bị người dân phản đối hoặc quá nhỏ, quá thấp khiến cản trở giao thông. Nhiều cổng làng dù mới xây bề thế nhưng cũng phải đập bỏ xây lại, rất tốn kém.
Với việc đua nhau xây dựng cổng làng, xã ồ ạt, bát nháo như ở Thanh Hóa hiện nay, hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền địa phương và ban, ngành chức năng cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để các công trình này thật sự mang nét văn hóa và hạn chế lãng phí, tốn kém.
Chạy theo thành tích
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 8.083/8.335 làng, bản, cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng văn hóa; 237/638 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới hoặc chuẩn văn minh đô thị. Ông Bùi Đăng Hùng, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc khai trương làng, xã văn hóa cũng có nhiều điều hay. “Đăng ký xây dựng làng, xã văn hóa mà không khai trương để thông báo thì hiệu quả tuyên truyền sẽ không cao. Nhiều nơi đã lấy ngày khai trương làng, xã văn hóa để làm ngày hội làng, con cháu cứ đến dịp này là tìm về” - ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, việc xây dựng làng, xã văn hóa ở Thanh Hóa ít nhiều vẫn còn mang tính hình thức, nặng chạy theo thành tích. Nếu áp theo tiêu chí thì hầu hết các làng quê đều không đạt được chuẩn văn hóa. Cụ thể, tiêu chí nhà văn hóa bắt buộc phải xây dựng rộng trên 500 m2, tối thiểu phải 100 người có thể ngồi họp, có sân chơi rộng 2.000 m2... Điều này là không thể làm được với khu phố ở đô thị đông đúc, đất đai chật hẹp; còn ở miền núi đất đai rộng nhưng để có tiền xây dựng lại là vấn đề nan giải.
Đơn vị đồng hành
Bình luận (0)