Mở đường cho cuộc đào thoát của sữa là Bộ Y tế bằng việc ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật vào đầu năm nay. Trước đây, quy định nồng độ đạm trong sữa công thức của trẻ em không quá 17%, còn với quy định mới, nồng độ đạm được Bộ Y tế áp ở mức gấp đôi (34%). Đây như là một món quà dành tặng các hãng sữa bởi hàng loạt loại sữa được biến thành “sản phẩm dinh dưỡng công thức”..., khỏi cần phải kê khai và báo giá với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đặc biệt là được tự quyết giá bán...
Thực tế đúng y như vậy. Từ tháng 3-2013 đến nay, Cục Quản lý giá đã nhiều lần yêu cầu các hãng sữa khai báo giá nhưng hầu hết đều không phản hồi, vì “chúng tôi có kinh doanh sữa đâu, chúng tôi kinh doanh “sản phẩm dinh dưỡng công thức” cơ mà”! Ngành tài chính đành cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng giải quyết.
Thoát khỏi vòng cương tỏa của Luật Giá, các hãng sữa tha hồ tăng giá, đến 20% so với trước. Tất nhiên, cơ quan chức năng của Bộ Y tế không thừa nhận việc đổi tên là nguyên nhân khiến giá sữa tăng, đồng thời nại rằng đâu cần chờ đến khi đổi tên “sữa” thành “sản phẩm dinh dưỡng công thức”..., trước đây giá sữa cũng đã tăng đều đều đấy thôi (!) Giải thích như thế cốt để thoái thác trách nhiệm, qua đó cho thấy rất vô cảm với người tiêu dùng.
Không ai có thể chấp nhận kiểu quản lý lạ lùng như vậy. Nhiệm vụ quản lý, điều hành giá là phải luôn cân bằng lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Riêng trong vụ này, dù chưa thể kết luận là Bộ Y tế đã mở đường cho các doanh nghiệp tăng giá sữa nhưng phải nói ngay rằng quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xem nhẹ. Cũng từ đó, khó mà tránh trường hợp dư luận hoài nghi về khả năng lợi ích nhóm đã chen chân trong vụ biến “sữa” thành “sản phẩm dinh dưỡng công thức”...
Về phía các hãng sữa và giá sữa, hễ giậu đổ thì bìm leo. Karl Marx từng nói: “Khi lợi nhuận có thể lên tới 300%, với nhà tư bản - dù có bị treo cổ - họ vẫn làm”. Ở đây chẳng phải bị “treo cổ”, lại không hề mất vốn - tốn lãi, các nhà buôn dại gì mà chẳng “thừa nước đục thả câu”. Họ chăm chăm nhắm vào túi tiền của người tiêu dùng mà quên rằng trong số đó có hàng triệu người là nông dân hai sương một nắng, là những công nhân làm việc đầu tắt mặt tối để kiếm tiền mua sữa nuôi con.
Danh nhân Lương Văn Can từ 100 năm trước đã kêu gọi: “Kinh doanh phải trung thực và hiếu nghĩa”. Lẽ nào các nhà kinh doanh sữa nay đã quên lời răn dạy này!
Bình luận (0)