Cuối năm 2013, tàu QNg 90079 TS của ông Nguyễn Xu (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trên đường ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thì nhận được tin một tàu bạn bị sóng đánh chìm và mất liên lạc. Sau 2 ngày đêm liên tục tìm kiếm, ông Xu phát hiện 2 người đang bám víu trên một phi nước trong tình trạng kiệt sức. Sau khi vớt được 2 người, tàu QNg 90079 TS tiếp tục tìm kiếm và cứu thêm 12 người khác.
“Các ngư dân cho biết vẫn còn 3 nạn nhân khác nên chúng tôi tiếp tục quần thảo và phát hiện họ đang yếu sức, cột vào nhau chờ chết chung” - ông Xu kể tiếp. Theo ông Xu, vẫn biết cứu người trong thời tiết xấu rất nguy hiểm và thiệt hại nhiều về kinh tế nhưng vì tình người nên không thể làm ngơ.
Không những cứu ngư dân trong nước, nhiều tàu cá của nước ta còn cứu giúp ngư dân nước ngoài gặp nạn. Ngày 5-1-2014, tàu của ngư dân Nguyễn Hữu Phúc (ngụ xã Bình Châu) đánh bắt trên vùng biển Trường Sa thì gặp 4 người nước ngoài đang trôi trên biển. Họ cột vào nhau chờ chết. Sợ là cướp biển ngụy trang nên ông Phúc cho tàu rẽ hướng khác. “Thế nhưng, những bàn tay của họ chìa ra như cố cầu cứu. Thấy vậy, tôi cho tàu vòng lại và cứu cả 4 người. Họ là ngư dân Philippines, đang đánh bắt thì ghe chết máy và trôi trên biển đã 10 ngày. Chúng tôi đã ngưng đánh bắt để đưa họ vào bờ” - ông Phúc kể.
Trong một lần ra khơi, khi tàu tới vùng biển đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) thì ngư dân Trần Văn Mâu (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhận được tín hiệu kêu cứu của tàu do ông Lê Văn Giáp (ngụ thị trấn Thuận An) làm chủ, thông báo bị một tàu hàng tông chìm và “hung thủ” đã bỏ chạy. “Lúc đó, chúng tôi đang ở phía trước tàu hàng khoảng 1 hải lý nên đã lập tức quay lại” - ông Mâu kể.
Chưa đầy 10 phút sau, chiếc tàu hàng trọng tải trên 10.000 tấn đi qua tàu cá nhỏ bé của ông Mâu. Để giữ an toàn, ông cho tàu chạy cách 1 hải lý và thả hơn 100 cây nước đá xuống biển để tàu nhẹ hơn. Đêm tối, tàu của ông Mâu vẫn quyết bám theo tàu hàng.
Dọc hành trình đeo bám, tàu của ông Mâu liên tục bị vướng lưới vào chân vịt. “Mỗi lần như thế, tôi và một người nữa phải nhảy xuống nước cắt lưới” - ngư dân Lê Văn Hạnh, lao động trên tàu của ông Mâu, kể. Rạng sáng hôm sau, tàu của ông Mâu đã theo tàu hàng vào tới hải phận TP Đà Nẵng. Khi nhìn được tên tàu hàng, ông Mâu lập tức báo cho bộ đội biên phòng, sau đó cơ quan chức năng đã bắt được “hung thủ” này. Tổng cộng, tàu của ông Mâu đã qua gần 16 giờ theo đuổi trên 100 hải lý. “Đó là chuyến đi mà tốc độ của tàu cao hơn những lần chạy bão. Khi đó, tôi chỉ lo không theo kịp tàu hàng thì ông Giáp trắng tay” - ông Mâu nói.
Ông Giáp cho biết tàu hàng đã bồi thường cho ông gần 600 triệu đồng nên mua được tàu mới để tiếp tục bám biển. “Nếu không có sự theo đuổi quyết liệt của ông Mâu thì tôi đã lâm cảnh nợ nần” - ông Giáp nói với lòng biết ơn.
Thời gian qua, ngư dân tỉnh Bình Định đã liên kết, tập hợp thành nhiều tổ, đội để nương tựa vào nhau trên biển. Toàn tỉnh hiện có 265 tổ đoàn kết với 1.049 tàu tham gia.
Bình luận (0)