Thế nhưng, giữa dòng đời cuồn cuộn và khi người ta tăng tốc lao theo nó vì cuộc mưu sinh, đã có những phận người mất đi trong sự vô tình, thậm chí hờ hững, thiếu trách nhiệm của những người chung quanh.
Năm nào cũng vậy, khi tháng tận năm cùng, chúng ta lại nghe các nhà chức trách thông báo những con số thương vong do tai nạn giao thông: Khoảng hơn 10.000 người chết, từ gấp 2 đến gấp 3 con số đó bị thương, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng... Nhưng có tìm đến đời sống riêng của họ mới biết rằng trong số những người bị thương, không ít người sống đời sống thực vật, mang thương tật nặng, thậm chí tàn phế suốt đời. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bi đát khi mất đi lao động chính, kéo theo biết bao hệ lụy khác, như gia đình suy sụp, con cái bỏ học... Đành rằng các ngành chức năng đã bằng nhiều biện pháp cố gắng kéo giảm những mất mát, thiệt hại nhưng xem ra bức tranh chung về giao thông vẫn chưa sáng sủa.
Hằng năm, xã hội cũng không thể bình tâm trước thông tin hàng ngàn trẻ em bị chết đuối ở sông, hồ. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, có trên 800 em tử vong, trung bình có 4-5 cháu thiệt mạng mỗi ngày. Các nhà hoạt động xã hội tin rằng con số chết đuối trong thực tế còn cao hơn vì công tác thu thập thông tin tại các địa phương vẫn còn hạn chế.
Cũng có những trường hợp mạng sống con người mất đi hoặc bị tổn thương nghiêm trọng do sự tắc trách của một bộ phận nhỏ y, bác sĩ. Nhưng vấn đề ở đây là những người mang chiếc mặt nạ của lương y đã dùng tiền bạc để mua chuộc, khỏa lấp nhằm tránh đối mặt với cơ quan pháp luật. Đây là hiện tượng rất đáng lo trong thời buổi đồng tiền đang múa may, lôi kéo những y, bác sĩ nghèo về y đức và kém về y thuật.
Điều đáng lên án đối với những kẻ thích dùng tiền để “hợp thức hóa” những cái chết là nó khiến cho những nạn nhân tử vong không thể yên nghỉ được vì sự toan tính mờ ám trên thi thể của họ! Cần phải vạch trần và loại trừ ung nhọt này ra khỏi mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân vì sức hủy hoại của nó đối với xã hội và gia đình là rất khó lường.
Mạng sống con người là quý giá nhất. Sự thật phổ quát này cần được hiện thực hóa bằng cả lý trí (hành động) và con tim (sự thấu cảm) chứ không thể bằng những lời hoa mỹ ồn ào. Các cơ quan chức năng cần gọi đúng tên cái chết của hàng vạn người mỗi năm và chỉ ra đúng địa chỉ trách nhiệm. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm con người - con người cụ thể trong mối quan hệ đa dạng với gia đình và xã hội.
Bình luận (0)