Ngày 29-6, Tổ Đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị 1 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tiếp xúc cử tri các quận 1 và 3, TP HCM. Cử tri đã gửi gắm nhiều tâm tư đến tổ đại biểu, nhất là những bức xúc về chủ quyền ở biển Đông.
Sốt ruột lắm!
Cử tri Nguyễn Việt Hùng (ngụ quận 1) cho rằng việc Trung Quốc gây rối ở biển Đông đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân các tỉnh miền Trung. “Họ đi đánh bắt cá hằng ngày trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, đối mặt với hiểm nguy khi Trung Quốc đâm tàu, thu ngư cụ. Họ đóng tiền vay ngân hàng để đóng tàu nhưng ra đó bị Trung Quốc phá nát” - ông Hùng nói và đề nghị nhà nước phải có chính sách hỗ trợ ngư dân.
Cử tri Hoàng Xuân Dương (ngụ quận 3) cũng bức xúc việc 2 năm qua, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Theo ông, những nước ít liên quan hoặc không liên quan đã lên tiếng phản đối, còn ra hẳn nghị quyết như Mỹ. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của dân mà vẫn chần chừ. “Tại sao lại như vậy, có vấn đề gì chăng?” - ông Dương đặt câu hỏi.
Đồng tình, cử tri Nguyễn Hoài Nam (ngụ quận 1) đề nghị Quốc hội phải ra ngay nghị quyết về biển Đông vào kỳ họp tới.
Hiểu lo lắng của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng việc người dân chưa hài lòng khi Quốc hội phản ứng “chưa đủ liều” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Chủ tịch nước phân tích: “Việt Nam không phải chỉ phản đối mà còn đàm phán nảy lửa với Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông. Sốt ruột lắm nhưng phải làm theo khả năng chứ quá sức cũng không được”.
Liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân, Chủ tịch nước cho biết nhà nước đã thực hiện từ rất lâu chứ không phải bây giờ. Số tàu thuyền đóng mới, nâng công suất lớn mỗi ngày một tăng là điều đáng mừng. Quốc hội và Chính phủ cũng bổ sung thêm mấy ngàn tỉ nữa hỗ trợ ngư dân đóng mới phương tiện ra khơi xa với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nhìn nhận thủ tục trong vấn đề này còn rất nhiêu khê.
“Tôi đi kiểm tra 3-4 tỉnh thì đóng mới chỉ khoảng 10 tàu. Trì trệ lắm, người dân bức xúc mà mình cũng bức xúc” - Chủ tịch nước nói.
Đại biểu hãy “vi hành”
Ngoài vấn đề “nóng” về chủ quyền biển Đông, lần tiếp xúc này, cử tri đặc biệt đề cập đến mối quan hệ giữa cử tri với đại biểu Quốc hội. Cử tri Nguyễn Hữu Vạn (ngụ quận 1) mong mỏi các vị đại biểu hãy “vi hành”, sắm vai thường dân đến các quán cà phê, chợ để nghe dân và hiểu đời sống của họ. Theo ông Vạn, khoảng cách giữa đại biểu và người dân quá xa nhau.
Gay gắt hơn, cử tri Tạ Quang Hưng (ngụ quận 1) nói: “Bản thân chúng tôi bỏ phiếu vì những lời hứa của các vị đại biểu nhưng nhiều vấn đề tồn tại bao lâu nay, Quốc hội chưa làm tới nơi tới chốn”.
Chủ tịch nước cho biết những buổi tiếp xúc cử tri phải để người dân phản ánh một cách cởi mở, trung thực bức xúc của họ tại địa phương, chứ không nên “rào trước đón sau”. “Mình cũng là dân chứ đâu. Bỏ áo mũ cân đai thì là dân thôi, có gì đâu mà xa cách” - Chủ tịch nước tâm sự.
Theo Chủ tịch nước, mỗi khi tiếp xúc cử tri, đa phần là các bí thư chi bộ, trưởng khu phố, không thể 100% là người dân. Thế nhưng, Chủ tịch nước thắc mắc tại sao những người đại diện tổ dân phố, chi bộ của mình lại không đại diện các vấn đề của người dân, không mạnh dạn nói tất cả bức xúc mà đa phần người dân đang muốn Đảng, Chính phủ có giải pháp.
“Ngày xưa chiến đấu, địch tra tấn dã man cỡ nào ta không sợ, sao giờ ta với ta lại sợ? Phải có lợi ích “nháy nháy” hay sợ mất ghế nên chỉ cho cử tri phản ánh những vấn đề tốt, chung chung, xa vời hay sợ bị trù dập, mất ghế mà ém những chuyện xấu, chuyện không tốt ở địa phương” - Chủ tịch nước đặt vấn đề.
Kỳ họp Quốc hội thành công lớn
Sáng cùng ngày, ông Trần Thanh Hải - đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã có buổi gặp gỡ các cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách tại TP HCM và báo cáo nội dung kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Đánh giá về nội dung kỳ họp vừa qua, ông Hải cho rằng đã đạt được những thành công lớn. Trong đó, việc thông qua Nghị quyết về thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động (NLĐ) sau 1 năm nghỉ việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của số đông lao động hiện nay. “Đây là kinh nghiệm sâu sắc cho tổ chức CĐ trong vấn đề tham gia nghiên cứu, góp ý xây dựng luật, nhất là liên quan đến chính sách cho NLĐ về sau. CĐ phải luôn tỉnh táo và bám sát, gần gũi NLĐ” - ông Hải nhấn mạnh.T.Nga
Sử dụng biện pháp hòa bình
Trong ngày 29-6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn.
Cử tri Thái Thư Nam (ngụ quận Liên Chiểu) bày tỏ bức xúc với các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm biển của Trung Quốc ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Nam đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có những giải pháp chính đáng về pháp lý chứ không thể để Trung Quốc cứ ngang ngược như thế. “Quốc hội cần can thiệp vào việc vừa rồi có 2 tàu cá của Quảng Bình bị tra khảo, ép ngư dân ký vào biên bản công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc” - ông Nam kiến nghị.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang đáng lo ngại, gây phức tạp tình hình ở biển Đông. Hiện tại, phía Trung Quốc đang kiên trì biện hộ cho những hành động lấn biển, xây đảo trên biển Đông và bất chấp phản ứng của quốc tế. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh rằng để đấu tranh không thể hô hào đánh nhau mà phải sử dụng các biện pháp nhằm ổn định hòa bình.
K.Lực
Bình luận (0)