xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng trách “hà bá”!

Nhóm phóng viên

Việc tận thu quá mức các loại trầm tích (bùn, cát...), tàu bè thường xuyên qua lại... đang góp phần làm sạt lở nghiêm trọng tại các địa phương trên cả nước

Theo Cục Phòng chống thiên tai, tại ĐBSCL, tình hình xói lở rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tác động của con người đang khiến hơn 800 km khu vực sông Tiền, sông Hậu và bãi biển các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... sạt lở rất mạnh.

Đồng bằng không yên ả

Trong 1 tháng qua, tại TP Cần Thơ xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ sạt lở bờ sông tại tuyến lộ nông thôn (cặp sông Ba Láng, phường Ba Láng, quận Cái Răng) vào rạng sáng 21-6 khiến một căn nhà của người dân sụp xuống sông, 4 người may mắn thoát chết.

Đường Võ Tánh (phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), sau khi được gia cố, đang có nguy cơ sạt lở trở lại. Ảnh: Ca Linh
Đường Võ Tánh (phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), sau khi được gia cố, đang có nguy cơ sạt lở trở lại. Ảnh: Ca Linh

Trước đó, vào khoảng 2 giờ ngày 19-6, tại khu vực Phú Lợi (phường Tân Phú, quận Cái Răng) cũng xảy ra vụ sạt lở dài 30 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 6 m, gây sụp tuyến đường

bê-tông nông thôn. Nặng nề nhất là vụ sạt lở đường Võ Tánh (tuyến đường đang làm cặp sông Cần Thơ, khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng) vào sáng 26-5 làm 3 căn nhà cặp mé sông đổ sụp nhưng may mắn không gây thiệt hại về người. Một trong những nguyên nhân được người dân địa phương đưa ra là do lượng tàu thuyền di chuyển qua đoạn sông Cần Thơ lớn nên đã tác động đến đất ven bờ tạo hàm ếch.

Ngày 8-7, trở lại đường Võ Tánh, chúng tôi ghi nhận nơi đây đã được gia cố để thuận tiện cho người dân lưu thông. Chị Lương Bích Thủy, một người có nhà bị sụp xuống sông sáng 26-5, cho biết: “Họ gia cố tạm thời con đường nhưng ai chạy ngang cũng lo sợ sẽ sạt lở tiếp”.

Theo ông Lê Văn Mến, người dân địa phương, con sông Cần Thơ là nơi di chuyển duy nhất của tàu thuyền từ Vĩnh Long, Tiền Giang... đi Cà Mau, Kiên Giang. Nơi đây có hàng trăm chiếc sà lan chở cát, đá, xi măng, tàu du lịch, ca nô, ghe chở lúa... chạy suốt ngày đêm. Vì vậy, sóng rất mạnh đánh vào bờ. “Đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở cho đường Võ Tánh” - ông Mến nhận định.

Ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết vụ sạt lở tại Tổng kho Xăng dầu Trần Quốc Toản (phường 11, TP Cao Lãnh) vào ngày 5-7 vừa qua là do đoạn bờ sông Tiền tại khu vực này hẹp, chủ lưu dòng chảy ép sát phía bên bờ trái. Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản lấn chiếm lòng sông dọc theo phía bờ phải làm cho lòng dẫn bị thu hẹp, vận tốc dòng chảy tăng gây sạt lở nhanh hơn.

Theo thống kê sơ bộ, ĐBSCL hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450 km. Mỗi năm, sạt lở đã lấy đi gần 500 ha đất trong vùng, gần bằng diện tích xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

“Lở-bồi” nhân tạo

Cửa biển Cửa Đại (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang bị bồi lấp nặng nề, tạo thành những “núi” cát giữa lòng sông khiến tàu bè không thể di chuyển. Đây là hậu quả của việc UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn tại khu vực này từ tháng 10-2013. Khi doanh nghiệp thực hiện dự án, tình trạng xói lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng, nhiều khu đất, hồ tôm của người dân bị sóng biển đánh sạt. Gây sạt lở chỗ này, sóng mang cát bồi lấp nặng nề ở đoạn sông Kinh sát cửa biển khiến tàu thuyền không thể ra vào neo trú.

Cho rằng chính việc khai thác, tận thu cát quá mức đã gây nên hiện tượng sạt lở, bồi lấp trên nên hàng ngàn người dân xã Nghĩa An đã tụ tập phản đối. Ngay sau phản ứng của người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo ngưng ngay việc thực hiện dự án, tập trung khắc phục sự cố. “Hiện tại, cửa biển Cửa Đại chỉ có tàu nhỏ, công suất từ 100 CV trở lại vào được, còn các tàu lớn hơn không thể vào” - ông Nguyễn Hiệp, ngụ xã Nghĩa An, nói.

Ngày đêm đục khoét

Vừa đặt chân đến khúc sông Kiến Giang, đoạn chảy qua thôn Văn Minh, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã nghe những âm thanh phát ra từ máy nổ inh ỏi vang lên cả một vùng trời. Bà Phạm Thị Phương (55 tuổi, ngụ thôn Văn Minh) chỉ tay về phía xa xa, nói: “Họ hút cát cả ngày lẫn đêm ồn ào đã không nói, bây giờ nhà cửa, ruộng vườn cũng sắp đổ ra sông rồi”.

Để chứng minh, bà Phương không ngại thuê một chiếc thuyền nhỏ dẫn chúng tôi mục sở thị dọc khúc sông mà Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phú Hà (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép theo hình thức tận thu cát để bán làm vật liệu xây dựng. Tại hiện trường, chúng tôi đã ghi nhận 2 chiếc máy khoan hút cát (trong đó có một máy cỡ lớn) với khoảng hơn 30 công nhân tất bật làm việc cùng nhiều thuyền bè đỗ san sát chờ nhận hàng.

Theo cụ Nguyễn Văn Chít (87 tuổi, ngụ thôn Văn Minh), doanh nghiệp này “dàn trận” đục khoét cả ngày lẫn đêm khiến lượng cát giữa dòng sông bị hút cạn, gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Đất vườn nhà bà Phan Thị Xuyến (42 tuổi, thôn Văn Minh) qua mỗi mùa nước, diện tích lại bị thu hẹp dù trước đó đã trồng nhiều cây xanh để chống sạt lở. “Gia đình tôi lo lắm, họ mà hút như thế thì vài năm nữa, nhà cửa trôi hết” - bà Xuyến than thở.

Không chỉ thôn Văn Minh, ở bờ sông bên kia, nhiều hộ dân thôn Xuân Hồi, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy cũng cùng cảnh ngộ. Theo nhiều người dân, khu vực này trước đây có nhiều thuyền bè tập trung về khai thác cát “lậu” gây sạt lở bờ sông. Người dân nhiều lần phản đối, thậm chí dùng vũ lực xua đuổi nên mới yên được một thời gian. “Bỗng dưng không biết từ đâu, một doanh nghiệp đưa ra cả giàn khoan to đùng hút cát làm cho cây cối ở bờ sông trôi hết” - một người dân thôn Xuân Hồi kể.

Ông Đoàn Ngọc Ruya, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Thủy, cho biết đã nhận được phản ánh của người dân qua những lần tiếp xúc cử tri nhưng Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phú Hà được tỉnh cấp phép nên xã không có thẩm quyền xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết sạt lở tại các điểm nêu trên diễn ra ngày càng nghiêm trọng và thừa nhận việc khai thác cát là một trong những nguyên nhân. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nhằm có phương án khắc phục” - ông Năm nói.

Kỳ tới: Trầy trật đòi bồi thường

Bờ biển có biểu hiện thoái lui

Ông Marc Goichot, chuyên gia về năng lượng và thủy điện của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), thông tin: “Khảo sát 2.000 ảnh vệ tinh từ năm 2003-2011 tại khu vực ĐBSCL, ở phía Đông gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh có đến 48% khu vực bờ biển biểu hiện thoái lui, trong khi chỉ 22% biểu hiện lấn ra biển. Ở khu vực phía Tây (vùng bán đảo Cà Mau), nơi trước đây có tỉ lệ lấn ra biển cao, có đến 70% diện tích diễn biến thoái lui, trung bình 12,2 m/năm”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo