Đó là một trong những hình thức nhũng nhiễu lặt vặt mà người dân vẫn nghe nói hoặc tự mình chứng kiến hằng ngày ở nơi này, nơi kia trên khắp cả nước.
Bài bản bắt chẹt khá đơn giản: nhận thấy người dân ở trong tình trạng bất hợp pháp, người có thẩm quyền thay vì xử phạt theo đúng quy định của pháp luật thì chấp nhận xí xóa, làm ngơ với điều kiện người vi phạm làm việc gì đó cho mình.
Tham nhũng vặt cũng có thể được ghi nhận cả trong trường hợp người dân không vi phạm gì mà chỉ đến cửa công để thỉnh cầu điều này, điều nọ, như xin giấy phép xây dựng, đăng ký kết hôn với người nước ngoài, đăng ký tài sản… Nếu biết điều và chấp nhận chi thì yêu cầu được giải quyết nhanh, gọn; bằng không thì hàng núi thủ tục, giấy tờ sẽ được bày ra trước mặt, người dân tha hồ đánh vật, mất thời gian, công sức, tiền bạc mà chẳng được việc.
Thậm chí, có nhiều trường hợp không phạm pháp, cũng chẳng có yêu cầu gì cụ thể đối với công quyền, nhưng người dân vẫn được quan chức gọi đến để nhờ làm việc này, trả tiền hộ cho món hàng kia. Thông thường, người được gọi trong trường hợp này là người do yêu cầu công việc làm ăn mà thường hay lui tới cửa công để nhờ vả. Họ phải chấp nhận đáp ứng đòi hỏi của nhà quan mà không được kêu ca bởi họ hiểu rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở lại cửa công để giao dịch. Việc làm, số tiền chi trả được coi như khoản đầu tư bôi trơn được ứng trước hay một thứ hụi chết.
Nhũng nhiễu lặt vặt của công chức, viên chức là một kiểu tống tiền dựa vào công lực. Tệ nạn này khiến người dân mất tin tưởng vào sức mạnh của luật pháp và sự trong sạch của bộ máy công quyền, đi đến chỗ tôn vinh quyền lực của đồng tiền: đi đâu, làm gì, dù đúng hay sai luật, chỉ cần chấp nhận chi trả là mọi việc suôn sẻ! Đặc biệt, nó khiến xã hội phải gánh chịu hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật đã bị phát hiện mà không bị xử lý; điển hình là các trường hợp nhận chung chi để làm lơ cho một lô hàng kém phẩm chất đi qua trạm kiểm soát, để một chủ doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động chui mà không ký hợp đồng...
Tuy nhiên, để chống sự sách nhiễu của người nắm quyền lực công, chỉ các nỗ lực từ phía người dân không đủ và cũng chẳng có hiệu quả. Trong quan hệ với công quyền, người dân trong hầu hết trường hợp là ở thế yếu, thường cầm chắc phần thua một khi người nắm quyền lực công phản pháo bằng sức mạnh nắm trong tay. Rõ hơn, chính bộ máy công quyền, với quyền năng và các nguồn lực vốn có, phải giữ vai trò chủ động trong việc xây dựng liêm chính. Tinh giản bộ máy, cải thiện chế độ lương bổng, minh bạch hóa quy trình công vụ, tăng cường hệ thống kiểm soát, giám sát nội bộ, bảo đảm xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ là những việc phải làm để đạt được mục tiêu đó.
Bình luận (0)