Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, dự kiến ngày 10-4, một số hạng mục của công trình nâng cấp và cải tạo đường Nguyễn Huệ sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm để kiểm tra. Ngày 20-4, toàn bộ tuyến được đưa vào vận hành sau hơn 6 tháng thi công.
Vững bền trăm năm
Theo thiết kế, đường Nguyễn Huệ có tổng chiều dài 670 m, điểm đầu giao với đường Lê Lợi, điểm cuối giao với đường Tôn Đức Thắng, quận 1; bề rộng mặt đường 60,6 m, trong đó phần xe chạy 21 m, phần quảng trường và đường đi bộ 27 m, vỉa hè hai bên rộng 12,60 m. Tổng đầu tư dự án khoảng 430 tỉ đồng.
Sau khi nâng cấp, đường Nguyễn Huệ sẽ trở thành đường đi bộ kết hợp giao thông. Đặc biệt mặt đường Nguyễn Huệ và vỉa hè được lát bằng đá granite dày 10 cm, chèn vữa khe hở tạo độ vĩnh cửu. Hiện đại hơn, tuyến đường này còn có khu điều khiển trung tâm, nhà vệ sinh công cộng ngầm. Cụ thể, khu 1 sẽ đặt tại giao lộ Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi với diện tích 422 m2, là nơi tích hợp các thiết bị điều khiển tự động bảo đảm giám sát, phối hợp hài hòa cho khu phố đi bộ. Khu 2 có diện tích 100 m2 với cổng lên xuống của trung tâm điều khiển và 2 nhà vệ sinh công cộng.
Trên đường Nguyễn Huệ sẽ bố trí 162 cọc ngăn xe cố định, 24 cọc ngăn xe lưu động và 97 ghế ngồi, 4 trạm xe buýt. Theo Sở GTVT, những ngày lễ sẽ cấm tất cả phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Huệ để phục vụ người dân tham quan. Ngày thường, một số phương tiện sẽ được tham gia giao thông hai bên vỉa hè. Bên cạnh đó, xung quanh tuyến đường sẽ được xây dựng 24 bãi giữ xe để phục vụ người dân.
Đánh giá về công trình đường Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung cho biết công trình thể hiện ý chí quyết tâm của TP, góp phần hoàn thiện mỹ quan đô thị của TP ngày càng văn minh, hiện đại. Theo đánh giá của các chuyên gia, với tổng mức đầu tư và hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đường Nguyễn Huệ được đánh giá là con đường hiện đại nhất Việt Nam.
Cây xanh đang được trồng dọc đường Nguyễn Huệ. Ảnh: Hoàng Triều
Khác với các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP, hệ thống cấp nước cho toàn tuyến đường Nguyễn Huệ được dự trữ trong bể nước ngầm dung tích 79 m3, sau đó sử dụng ống D300 để cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, chữa cháy và tưới tiêu cho hệ thống cây xanh khu vực đường. Kinh phí đầu tư cho công trình gần 11 tỉ đồng từ nguồn vốn kinh doanh của Công ty CP Cấp nước Bến Thành.
Đặc biệt tại đây sẽ được xây dựng 2 hồ phun nước nghệ thuật để phục vụ người dân vào các ngày cuối tuần, ngày lễ lớn.
Nói về điểm đặc biệt của hệ thống cấp nước dọc đường Nguyễn Huệ, ông Bùi Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý dự án Công ty CP Cấp nước Bến Thành, cho rằng có nhiều điểm mới và lần đầu áp dụng tại công trình này. Chẳng hạn, khác với các loại ống cấp nước thông thường, tuyến ống cấp nước cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ có tuổi thọ trên 50 năm, cao hơn tuổi thọ ống gang hiện nay 20 năm.
“Toàn bộ hệ thống ống cấp nước được đưa vào hào kỹ thuật bằng bê tông cốt thép nhằm dễ quản lý, sửa chữa khi có xì bể. Điểm đặc biệt khác nữa là các trụ cứu hỏa được đặt âm 2 bên đường nhằm bảo đảm mỹ quan cho khu phố đi bộ” - ông Hùng cho biết thêm.
Thi công không kể ngày đêm
Có mặt tại tuyến đường Nguyễn Huệ vào những ngày này, chúng tôi thấy hạng mục thi công mặt đường, xây dựng đường hai bên và vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống hào kỹ thuật ngầm hóa các công trình công cộng đã cơ bản hoàn thành.
Dọc hai bên đường là hệ thống cây xanh được trồng thẳng tắp. Riêng phân đoạn từ đường Lê Lợi đến Công viên cảng Bạch Đằng, cây xanh cũng bắt đầu được trồng. Phía bên trong phần quảng trường phố đi bộ, 2 con đường chạy dọc hai bên được thi công cơ bản hoàn chỉnh, uốn lượn khá đẹp. Các tuyến đường xương cá kết nối, ô trồng cây cảnh tạo vẻ mỹ quan cho tuyến phố đi bộ bên trong cũng được hình thành.
Khu vực tượng đài Bác Hồ, hệ thống đài phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi cũng đang được thi công gấp rút.
“Để kịp tiến độ, gần 6 tháng qua, tất cả công nhân hầu như làm việc liên tục, không kể ngày đêm” - anh Nguyễn Văn Lợi, một công nhân làm việc tại công trình, cho biết.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Kiểm tra tiến độ thi công công trình vào cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu. Đối với cây xanh, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu thay thế những cây xanh lớn hơn, có tán rộng để che mát cho tuyến đường vì những cây xanh mà đơn vị đầu tư đang trồng chưa đáp ứng được. Ngoài ra, yêu cầu UBND TP phối hợp với UBND quận 1 sớm ban hành quy chế quản lý tuyến đường để bảo đảm mỹ quan đô thị cũng như việc bảo quản tuyến đường này.
Bình luận (0)