Trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, cả ngoại thành lẫn nội thành, số điện thoại rao vặt, khoan cắt bê tông, rao bán nhà đất, cho thuê phòng trọ... được dán nhan nhản khiến phố xá trở nên nhếch nhác.
Lớp mới chồng lớp cũ
Các đối tượng dán trộm quảng cáo thường chờ lúc ít người qua lại như sáng sớm, giữa trưa để thực hiện nên rất khó phát hiện. “Thường có 2 thanh niên đi với nhau, một giả vờ đứng nghe điện thoại, người còn lại quẹt hồ dán lên trụ điện rồi chạy mất hút, mình đuổi không kịp” - một người dân sống trên đường Lê Quang Định bức xúc.
Tại các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP HCM như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 3 Tháng 2, Điện Biên Phủ..., nhiều tấm phướn quảng cáo được treo đầy trên trụ đèn chiếu sáng. Theo quy định, các tấm phướn này phải ghi rõ thời hạn quảng cáo. Tuy nhiên, tình trạng các đơn vị quảng cáo chây ì, không tháo dỡ khi hết hạn diễn ra khá phổ biến.
Tại ngã tư Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch, một tấm phướn quảng cáo đã hết hạn từ ngày 28-9 nhưng vẫn tồn tại đến nay. Một số tấm khác trên đường Võ Thị Sáu cũng hết hạn từ ngày 30-9 nhưng chưa được tháo xuống. Thậm chí, nhiều đơn vị quảng cáo còn treo tấm phướn không ghi thời hạn xen kẽ với những tấm ghi thời hạn trong thông báo dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 3 Tháng 2... để “ăn gian” số lượng.
Ông Phạm Văn Tồn - Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh - cho biết hằng tháng, phường đều phối hợp với các đoàn thể cạo tờ rơi quảng cáo dán trên trụ điện nhưng làm không xuể. Vì đặc thù của phường 7 là có nhiều bệnh viện nên các đối tượng đến dán quảng cáo và phát tờ rơi bừa bãi. “Chủ các số điện thoại quảng cáo, rao vặt thường thuê sinh viên, người chạy xe ôm - vốn khó khăn về kinh tế - nên khó xử lý. Thậm chí, trẻ em cũng được thuê vì không có giấy tờ tùy thân, khó xử lý và truy tìm ra người thuê” - ông Tồn băn khoăn.
Chưa thể xử phạt
Ông Nguyễn Thành Loan Mười, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP HCM, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, đơn vị này đã xử lý 58 quảng cáo ngoài trời và 5 bảng hiệu của... năm 2012. Các trường hợp bị xử phạt là do quảng cáo mặt hàng cấm như rượu, thuốc lá; quảng cáo của cá nhân, tổ chức người Việt Nam nhưng lại in chữ nước ngoài. Hiện thanh tra sở đang phối hợp với UBND quận 7 kiểm tra những bảng hiệu in chữ nước ngoài tại các nhà hàng ở khu Phú Mỹ Hưng.
Theo ông Mười, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở VH-TT-DL TP HCM không xử phạt trường hợp quảng cáo trái phép nào do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo 2012. Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) không còn điều khoản quy định về cấp phép quảng cáo; các đơn vị quảng cáo chỉ cần thông báo đến cơ quan chức năng.
Nhiều cách trị Phường 11, quận Tân Bình là địa phương làm tốt việc xóa quảng cáo trái phép dán trên cột đèn, tường rào. Năm 2007, CLB Bảo vệ môi trường gồm các cựu chiến binh và thành viên hội phụ nữ phường được thành lập, với nhiệm vụ cạo sạch và quét sơn các quảng cáo trái phép ngay khi chúng được dán lên. Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch UBND phường 11, cho biết: “Các đối tượng được thuê dán quảng cáo, khi thực hiện xong phải có chủ đến chụp hình nghiệm thu mới được trả tiền. Vì vậy, mỗi buổi sáng, khi đi tập thể dục, các thành viên CLB mang theo sơn và cây xủi để cạo rồi sơn đè lên quảng cáo trái phép. Làm đi làm lại nhiều lần khiến các đối tượng kia nản lòng vì làm mà không được trả tiền công”. Trong khi đó, UBND phường 26, quận Bình Thạnh thì giao nhiệm vụ đến từng khu phố phải xử lý quảng cáo trái phép trên địa bàn nên đã hạn chế được nhiều. Để khuyến khích người dân phát hiện đối tượng dán trộm quảng cáo, UBND phường thưởng nóng 50.000 đồng cho mỗi trường hợp bắt quả tang. Số tiền thưởng được trích từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính. |
Bình luận (0)