Tuy nhiên, so với hồi cuối năm ngoái, tính đến thời điểm này, giá xăng A92 vẫn còn cao hơn 1.420 đồng/lít.
Ở kỳ điều chỉnh 19-8 này, giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ giảm bởi giá dầu thô WTI đã giảm liên tục những ngày qua, đến cuối ngày 17-8 còn quanh 42 USD/thùng; giá xăng tham chiếu mới nhất tại thị trường Singapore cũng tiếp tục đà giảm, còn 65,1 USD/thùng.
Một lý do để giảm giá nữa là vì các công ty xăng dầu đã… lãi quá nhiều! Đáng nói nhất là “ông lớn” Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), doanh nghiệp đang dẫn dắt thị trường với khoảng 60% thị phần nội địa, tiếp tục lãi đậm. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, lãi sau thuế trong quý II/2015 của Petrolimex là hơn 1.125 tỉ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 1.586 tỉ đồng, tăng 137%. Hết năm nay, Petrolimex thừa khả năng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.450 tỉ đồng như kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông của tập đoàn thông qua.
Petrolimex và các cổ đông khấp khởi trước kết quả kinh doanh này còn người tiêu dùng thì tất nhiên không vui, thậm chí có cảm giác bị lừa dối vì đã không ít lần nghe các doanh nghiệp xăng dầu kêu than thua lỗ để được nhà nước đồng ý cho tăng giá bán lẻ. Lỗ thật hay giả, cứ la làng cái đã vì lúc ấy chẳng ai kiểm chứng, còn khi báo lãi thì là chuyện đã rồi. Mà cũng đâu thể giấu lãi do buộc phải công bố trước các cổ đông; lãi đậm càng phải nhiệt tình công khai để cổ phiếu thêm đắt khách, thêm tăng giá trên thị trường chứng khoán. Còn nhớ, trong buổi giới thiệu đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của Petrolimex cách đây đúng 4 năm tại TP HCM, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nói một câu đầy ẩn ý: “Với doanh nghiệp như Petrolimex, lẽ ra không cần giới thiệu, nhà đầu tư cũng đến mua cổ phiếu”.
Cần lưu ý thêm là xăng dầu đã hạ giá đến 5 lần, mức giảm tổng cộng 3.620 đồng/lít, thế mà Petrolimex vẫn lãi “khủng” đến vậy. Vừa thống lĩnh thị trường lại được hưởng nhiều đặc chế từ chính sách, không lãi đậm mới lạ!
Trong bối cảnh nhiều năm liên tiếp khối doanh nghiệp nhà nước bị mang tiếng sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả, theo lẽ thường, những tập đoàn quốc doanh làm ăn có lãi như Petrolimex hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hẳn được dân tình hoan nghênh; đằng này, rất khó tìm được sự đồng thuận từ phía người tiêu dùng.
Ấy là vì cơ chế không minh bạch. Ngành điện đang lỗ nặng, chỉ cần xin tăng giá bán vài đợt là trở nên lãi đậm, dễ như trở bàn tay. Ngành xăng dầu thì nay lỗ - mai lãi, nói là điều hành giá theo thị trường nhưng là thị trường... phi cạnh tranh. Bằng chứng: Có đến 22 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà đưa ra 1 giá bán lẻ chung, vậy thì coi như thị trường chỉ có một doanh nghiệp độc diễn. Dấu hiệu cùng bắt tay làm giá đã rõ, đây chính là độc quyền.
Lẽ nào các bộ - ngành quản lý không thấy điều này?!
Bình luận (0)