xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Emily dưới vòm cây linh sam

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Ngày 30-4-1995, nhân dịp đất nước ta mừng 20 năm hoàn toàn giải phóng, nhìn mọi người dự lễ tưng bừng, phố xá cờ hoa và Nhà nước mời rất đông khách quốc tế, bạn bè đã gắn bó với cuộc đấu tranh cùng Việt Nam, tôi bỗng ao ước giá có ai đó trong gia đình của Norman Morrison có mặt trong lễ hội

Morrison là người đàn ông mà ngày 2-11-1965 đã bế Emily - đứa con gái út 18 tháng của mình - đến trước Lầu Năm Góc, đặt con xuống rồi tự mình biến thành ngọn lửa để phản đối cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

 
Qua người bạn, nhà văn Mỹ Lady Borton, có quen biết gia đình Morrison, tôi viết một lá thư gửi vợ anh, thăm hỏi và bày tỏ lòng biết ơn những người đã sinh ra, nuôi dưỡng và yêu thương Morrison.
 
Rồi trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng 11-1999, tức 4 năm sau đó, chị Ann Morrison Welsh - vợ anh -  đã dẫn theo 4 người con (hai con gái, con rể) và ghi trong chương trình sẽ dành hẳn một buổi gặp riêng tôi tại TPHCM.
 
Hai cô con gái của chị là Emily - nhân vật nổi tiếng được nhắc đến trong bài thơ của Tố Hữu, lúc đó đang mang thai 3 tháng - cùng chồng của cô là Clark Lowell Chapin; cô con gái kế Anna Christina Morrison và người bạn Jefferson Virgil Ryon. Những người con này làm nhiều nghề khác nhau: thiết kế kiến trúc, xây dựng và giảng dạy.
 
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân tình.
 
Chị Ann thoạt nhìn có dáng vẻ giống bà Indira Gandhi, giản dị mà cao sang. Chị mang theo và tặng tôi một tập tài liệu nói về cuộc đời Morrison. Chị kể rằng những ngày tháng ấy, anh Morrison không chịu nổi khi xem bài báo đăng trên tờ Paris Match cùng những hình ảnh các em nhỏ hớt hãi chạy khỏi một ngôi làng ngùn ngụt lửa (tôi nghĩ phải chăng là tấm hình Kim Phúc phỏng bom napal?). Lá thư cuối cùng Morrison gửi cho vợ là để nhắc đến trẻ con ở ngôi làng đó.
 
Chị Ann học về tâm lý, còn anh học lịch sử và giáo dục, sau này theo học thêm thần học. Khi đến thăm các chùa ở Việt Nam, chị Ann nói với nhà chùa rằng Morrison là người “từ bi hỷ xả”.
 
Qua suy ngẫm về cái chết của chồng mình, chị cho rằng anh chọn tự thiêu là hình thức phản kháng cao nhất và cái chết bằng cách tự thiêu là muốn mình đồng nhất với nỗi đau của trẻ em bị bom napal thiêu đốt, để thức tỉnh mọi người.
 
Chị Ann đến Việt Nam với nỗi trăn trở tìm tài liệu và cảm xúc cho cuốn hồi ký của mình. Sau đó, vào năm 2008, cuốn sách được xuất bản tại Mỹ. Cuốn sách viết về Morrison và chuyến đi thật cảm động đến Việt Nam, có cả cuộc gặp gỡ nhà thơ Tố Hữu.
 
Emily đã đọc bài thơ của mình “gửi ông Tố Hữu”. Trong bài thơ đó, cô kể lại mãi đến khi 15 tuổi mới có người bạn gửi cho cô bài thơ Emily con của Tố Hữu và lúc ấy cô mới biết có một bài thơ viết về mình.
 
 
img
Tác giả bài viết và vợ con anh Morrison (chị Ann - người đứng bên phải). Ảnh: Hải Ngọc


Cô nấp dưới vòm cây linh sam lớn, một mình vừa khóc vừa đọc bài thơ và hiểu rằng trên thế gian này cô không là đứa bé xa lạ lẻ loi mà là một đứa con được yêu thương, được tự hào và thấu hiểu.
 
Lúc tôi trò chuyện với chị Ann và các con chị tại TPHCM, Emily viết vào cuốn sổ tay phóng viên của tôi những dòng lưu niệm. Cô hy vọng mọi người thích bài thơ của cô và chúc cho đất nước Việt Nam với tất cả tinh thần tươi mới chiếu sáng nơi đây. Clark Lowell Chapin cũng viết ngay một bài thơ ngắn vào sổ ghi chép của tôi, xin được dẫn ý  ra đây:
 
“Từ những tiếng chim
 
Và tiếng trống trường
 
Từ những trái tim nhân ái
 
Và nụ cười tươi trẻ
 
Từ Hạ Long xinh đẹp
 
Và nỗi buồn Sơn Mỹ
 
Từ những dòng xích lô hối hả...
 
Từ cơn mưa nhẹ nhàng
 
Và mặt trời buổi chiều
 
Từ phố Hà Nội
 
Và thành phố Hồ Chí Minh
 
Tôi chưa bao giờ biết mảnh đất này như bây giờ tôi biết
 
Và sẽ không bao giờ quên
 
Không bao giờ quên, những gì tôi đã biết...”
 
Clark Lowell Chapin viết thêm: Một ngày nào đó, tôi lại sẽ có niềm vui được khám phá Việt Nam thêm lần nữa. Anh bạn Jefferson cũng cảm động lắm, bởi anh có người cha trước đây tham chiến ở Việt Nam rồi thiệt mạng ở Thái Lan.
 
Anh bảo đến Việt Nam gặp nhiều người, hình như ai cũng  là thi sĩ cả, ai cũng muốn có vài câu thơ. Và anh viết: “Mỗi ngày, nhiều lần, chúng tôi gặp những con người tuyệt vời với tính cách đặc biệt, độc đáo. Mỗi ngày, chúng tôi sống trong khung cảnh, âm thanh, mùi vị Việt Nam. Bây giờ, khi chúng tôi sắp rời xa, những kỷ niệm về Việt Nam đong đầy trong tim...”.
 
Những dòng chữ trên cuốn sổ phóng viên sắp ngả màu nhưng nó là kỷ niệm đẹp của đời làm báo của tôi. Lần đó, trước khi chia tay vợ con của Morrison, tôi trao tặng phẩm cho họ và kèm theo một bó hương Việt Nam, nhờ chị Ann đem về thắp giùm lên mộ anh Norman Morrison - người đã hiến đời mình vì Việt Nam, vì hòa bình.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo