Phóng viên: Ông có thể công khai chi phí đầu vào dẫn đến việc đề xuất tăng giá điện của tập đoàn cũng như quyết định cuối cùng là tăng 7,5% của Chính phủ?
- Ông Đinh Quang Tri: Tính từ lần tăng giá điện gần đây nhất là 1-8-2013 đến hết ngày 31-1-2015, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện là 10.491 tỉ đồng. Trong khi đó, các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện chỉ hơn 1.657 tỉ đồng. Tổng chi phí tăng lên là 8.833 tỉ đồng. Nếu tính toán đầy đủ chi phí phát sinh và lợi nhuận 3%-4% trên vốn chủ sở hữu thì giá điện sẽ phải tăng thêm trên 12%.
Do vậy, việc tăng giá điện là quyết định không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và tránh ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đề xuất tăng 9,5%. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý phương án tăng giá điện 7,5% - mức thấp nhất trong 3 phương án được đưa ra là 7,5%, 8,5% và 9,5%. Ảnh hưởng của việc tăng giá điện đối với những hộ dùng ít điện không lớn. Cụ thể, với khách hàng dùng dưới 50 KWh/tháng, chi phí phát sinh là 4.800 đồng/tháng. Tương tự, các hộ dùng dưới 100 KWh/tháng cũng chịu tác động nhỏ. Tuy nhiên, các hộ sản xuất đang được hưởng điện giá thấp sẽ phải chịu mức giá cao hơn mức bình quân (7,5%).
Với mức tăng 7,5%, EVN dự kiến đạt lợi nhuận năm 2015 là bao nhiêu?
- Tính mức tăng giá điện 7,5% như hiện nay, lợi nhuận tập đoàn đạt được là 1%. Với vốn chủ sở hữu của tập đoàn hiện nay là 153.000 tỉ đồng thì lợi nhuận tương ứng 1.500 tỉ đồng. Xử lý chênh lệch tỉ giá khoảng 1.000 tỉ đồng, còn khoảng 7.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá tiếp tục xử lý vào các năm sau. EVN tăng doanh thu khoảng 13.000 tỉ đồng, tránh lỗ được 12.000 tỉ đồng trong năm 2015 (nếu không điều chỉnh giá điện lần này, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng).
Có lợi nhuận tức là EVN sẽ thu hút được đầu tư như nhiều lần tập đoàn đã khẳng định?
- Lợi nhuận 0% đã là mơ ước của EVN rồi. Mục tiêu của EVN không phải là lợi nhuận mà là phục vụ xã hội. Nhưng nếu không có lãi, chúng tôi sẽ không thể kêu gọi các nhà đầu tư. EVN phải mua điện với giá thị trường nhưng bán với mức trần đã được quy định. Tổng lượng điện phải mua chiếm tới 83% nên khi giá nhiên liệu thay đổi, giá mua điện tăng mà giá bán lẻ không điều chỉnh thì đương nhiên lỗ. Giá điện 1.622 đồng/KWh sau khi đã tăng 7,5% vẫn thấp và không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Còn nhà đầu tư trong nước thì đang trong tình trạng không đủ nguồn lực để đầu tư vào ngành điện.
Bình luận (0)