xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gắng gượng sau bão

Bài và ảnh: Quang Nhật

(NLĐO) - Trên 35 ngàn căn nhà ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị sập và tốc mái do bão số 10 gây ra. Khắp các thôn, xã, người dân cố gắng gượng dậy dọn dẹp những đống đổ nát, hoang tàn

img
Nhà cửa của hơn 1.000 hộ dân xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị tốc mái, đổ sập

Về xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, đâu đâu cũng thấy cảnh nhà ttốc mái, sập đổ, gạch ngói, tôn lợp vương vãi khắp nơi. Ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, xót xa: “Trên 90% trong tổng số hơn 1.100 nhà dân của xã đều bị hư hỏng sau bão, trong đó 40% bị tốc mái và sập hoàn toàn. Chẳng biết người dân xã nghèo ven biển chúng tôi có gượng dậy nổi sau bão nữa không?”.

img
Căn nhà ông Lê Văn Khơ, xã Ngư Thủy Bắc bị đổ sập

Những lúc trước, mỗi khi gia đình có việc gì, vợ chồng già Lê Văn Khơ (85 tuổi) và Đào Thị Phổ (80 tuổi) đều được bà con chòm xóm qua đỡ đần nhưng hôm nay hai người phải tự mình dọn dẹp.

Căn nhà cấp 4 hai gian của ông Khơ được chính quyền địa phương xây cất cách đây vài năm, cũng thuộc loại kiên cố nhưng sau bão số 10, nó đã bị tốc mái hoàn toàn, đồ đạc bị thổi tung. Chiếc giường cũ kỹ của họ cũng bị bão đánh tan tành. Toàn bộ áo quần, tủ bàn… đều hư hỏng.

Khập khiểng đưa chiếc võng, tài sản duy nhất còn sót lại  ra phơi nắng, ông Khơ như không thể bước nổi dù hôm nay trời không còn mưa bão. Còn bà Phổ thì nước mắt ngắn dài đứng bên bàn thờ tổ tiên dọn dẹp. Bà bảo rằng muốn thắp nén nhang cho ông bà nhưng nay cũng chẳng còn cây nào, tiền thì không còn xu nào.

Vợ chồng ông Khơ, bà Phổ chỉ có một đứa con trai nay đã lập gia đình và dựng nhà ngay cạnh đó nhưng cũng không thể trụ nổi. Bà Phổ ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi chỉ sống nhờ đồng tiền trợ cấp người già được vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Nay bão đã làm hỏng nhà mất rồi, con cái lại nghèo nên chẳng biết lấy đâu ra tiền sửa chữa”.

img
Chị Trần Thị Não, xã Ngư Thủy Bắc lượm lặt những gì còn lại trong ngôi nhà bị sập

 Cách đó không xa, căn nhà nhỏ là nơi sinh sống của gia đình chị Nguyễn Thị Não (30 tuổi) đổ sập hoàn toàn. Giữa ngôi nhà chỉ còn trơ lại vài mảnh fibro xi măng. Chiếc giường, chiếc ghế đều bị gãy… Bão đi qua đã cướp đi tất cả những gì mà gia đình chị có, chỉ để lại muôn vàn khó khăn.

 Nhìn cảnh nhà, cảnh người chồng Nguyễn Trần Hiển bị động kinh ngồi co quắp, chị Não không thể cầm lòng: “Cách đây 3 năm trong một lần đang làm thợ cơ khí thì anh bị điện giật, phải vay mượn chạy chọt lắm mới cứu được mạng sống. Sau cơn bão này cũng chẳng biết làm sao gắng gượng dậy được, gạo trong nhà cũng đã hết sạch mà chẳng còn tiền mua”.

img
Chị Ngô Thị Giang lấy áo quần từ ngôi nhà đổ nát


Cùng cảnh tương tự, căn nhà chị Ngô Thị Giang (30 tuổi) đã bị sập hoàn toàn sau bão. Trong nhà còn lại một đống áo quần ướt đẫm. Chồng  làm nghề đi bạn ở biển xa, mấy hôm nay, trước khi bão vào chị Giang chỉ kịp thu vén một số đồ đạc rồi cùng đứa con nhỏ chạy lên xã trú ngụ. Khi chạy về thì căn nhà chỉ còn lại đống đổ nát.

Không chỉ xã Ngư Thủy Bắc, hàng ngàn hộ dân các xã ven biển của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) như Nhân Trạch, Lý Trạch, Đức Trạch… cũng mất nhà mất cửa. 

 Xã Đức Trạch nằm ven cửa biển Lý Hòa sau bão ngổn ngang nhà cửa bị  đổ sập, tốc mái. Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hồng (xã Đức Trạch) nặng nề bởi những tiếng nấc khóc chồng. Trong ngày 1-10, hàng chục người thân cùng làng xóm đã dẫn nhau ra đoạn sông Gianh ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch để tìm thi thể của chồng bà - ông Phạm Văn Lương. Nỗ lực của hàng chục con người chỉ tìm ra con tàu cá bị đắm, trong khi thi thể người xấu số thì biệt tăm.

Trước bão, ông Lương cùng con trai là Phạm Hồng Cường (31 tuổi) và một người đi bạn đánh tàu mang số hiệu QB 92639 TS ngược sông Gianh lên xã Quảng Lộc neo đậu cho an toàn. Nhưng khi bão vào, những trận gió kinh hoàng cứ quần ngang bủa dọc đã khiến con tàu đứt dây và xoay tròn giữa sông. Anh Cường cho biết khi nhận định tình thế nguy cấp, anh và người bạn cùng đi đã gọi ông Lương nhảy xuống sông bơi vào bờ mong có cơ hội sống sót.  Vậy nhưng sau khi nhảy và cố gắng bơi vào bờ an toàn, anh Cường nhìn lại chẳng thấy bóng dáng con tàu cùng người cha của mình ở đâu. “Gió lốc quá mạnh, dù khoảng cách với bờ chưa tới 10 mét nhưng tôi với người bạn cùng đi vật lộn dưới nước gần 2 giờ đồng hồ mới bơi vào được”.

img
Sửa chữa lại nhà bị tốc mái

Nói về thiệt hại sau bão, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chỉ dùng 2 chữ: kinh hoàng. Ông bảo rằng dù người dân và chính quyền đã hết sức chủ động nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại. Thống kê sơ bộ đến nay, huyện Bố Trạch có đến 35.520 nhà bị sập và tốc mái, 1 người chết; 1 mất tích; 18 người bị thương, trong đó xã Liên Trạch có 10 người; gần 8.000 diện tích cây cao su gãy đổ… Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến 2.730 tỷ đồng. “Một con số thiệt hại khủng khiếp, gấp hàng trăm lần nguồn thu mỗi năm của toàn huyện. Dân vùng biển thì tan hoang nhà cửa, dân ở rừng thì thiệt hại nặng về cao su, người dân đứng trước rất nhiều khó khăn sau bão” – ông Gòn chia sẻ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo