xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp cụ bà thọ nhất nước

THANH NHÂN - PHẠM DŨNG

Sống 121 năm trên cõi đời, cụ Nguyễn Thị Trù chưa từng đi bệnh viện. Bí quyết sống lâu của cụ là ăn uống đúng giờ, luôn giữ được tinh thần lạc quan, không hờn giận ai

Ngày 21-7 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận cụ Nguyễn Thị Trù (ngụ ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM; vừa được xác lập kỷ lục sống thọ nhất Việt Nam) là cụ bà sống thọ nhất Việt Nam. Sắp tới, tổ chức này sẽ nộp hồ sơ đệ trình Tổ chức Kỷ lục châu Á và Tổ chức Kỷ lục thế giới công nhận cụ Trù là cụ bà sống thọ nhất thế giới sau khi cụ bà thọ nhất thế giới người Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 116.

Đại phúc của gia đình

Thăm cụ Nguyễn Thị Trù, chúng tôi có cảm giác như cụ bà ngồi trước mặt tôi đã thoát khỏi các cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố” của đời người. Giờ đây, cụ đang sống những tháng ngày hồn nhiên như trẻ nhỏ bên vòng tay yêu thương của con cháu, thỉnh thoảng chợt nhớ một phần ký ức đẹp của hành trình hơn trăm năm.

Đang ngồi nhịp chân đưa võng, thấy chúng tôi tiến lại gần chào hỏi, cụ Trù ngước mặt nhìn rồi chỉ tay về phía cái võng mắc bên cạnh, nhoẻn miệng cười: “Nè chị, ngồi võng chơi. Chị ngồi chơi cho vui, đi đâu mắc công. Tui có một mình hà, không có ai, không còn ai hết…”. Tôi hỏi cụ còn nhớ mình tên gì, đang ở nhà ai, ăn cơm chưa…, cụ hướng mắt nhìn xa xăm, chân đều đều đưa võng và không nói gì. Một lúc sau, như chợt nhớ ra, cụ với tay lấy khăn xếp ngay ngắn đội lên đầu, lẩm bẩm đọc, giọng to rõ, trong veo: “Trống treo ai dám đánh thùng/Bậu không ai dám giở mùng chun (chui) vô”, xong từ từ nằm xuống võng, đôi mắt khép hờ như ngủ. Được một lúc, cụ lục đục ngồi dậy, chép miệng than: “Muỗi quá, không ngủ được!”…

Cụ Nguyễn Thị Trù luôn lạc quan bên con cháu Ảnh: Hoàng Triều
Cụ Nguyễn Thị Trù luôn lạc quan bên con cháu Ảnh: Hoàng Triều

Đọc được sự thắc mắc của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ba (75 tuổi, con dâu của cụ Trù) giải thích: Cụ Trù bị đãng trí rất nặng kèm thêm lãng tai nên nhớ gì nói nấy, thích thì nói, không thích thì hỏi mấy cũng không trả lời. Vài năm trở lại đây, cụ quên hết con cháu, người quen. Vợ chồng bà Ba ở với cụ mấy chục năm, giờ cụ cũng không nhận ra. Con cháu trong nhà về thăm, cụ cũng ngơ ngác gọi bằng chị rồi mời ngồi như khách. Điều đặc biệt là cụ còn biết đòi ăn mỗi khi đói hay thấy con cháu ăn uống, cầm bánh trái đi ngang.

Ông Nguyễn Hữu Phương (74 tuổi, con trai út của cụ Trù) cho chúng tôi xem giấy CMND đã cũ kỹ, phai màu của mẹ mình. Ngoài tấm thẻ CMND được cấp năm 1979, cụ Trù không còn giữ bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khác. Hầu hết giấy tờ đã lạc mất sau nhiều lần dọn nhà vào ấp chiến lược thời chiến tranh. “Tháng 5 vừa rồi, má tôi bước qua tuổi 121. Tính ra, bà đã sống qua 4 chế độ. Đó là đại phúc của gia đình” - ông Phương tâm sự.

Theo ông Phương, cụ Trù sinh ra và lớn lên ở Đa Phước, lấy chồng cùng xã. Về ở với nhau, bà sinh liên tục 10 người con. Trên ông, 1 anh trai và 1 chị gái hiện còn sống nhưng tuổi cao, sức yếu nên hiếm khi tới lui thăm viếng cụ. Cháu chắt của cụ nhiều đến mức ông không nhớ hết, mỗi khi giỗ chạp tập trung về đông nghịt.

Thời trẻ, vợ chồng cụ Trù nổi tiếng nhiều ruộng đất nhất xã với 100 công đất (công nhỏ khoảng 600 m2); hết mùa gặt, lúa chất đầy căn nhà 3 gian. Ông Phương kể: Bà Trù quán xuyến mọi việc trong ngoài và chăm sóc đàn con nhỏ, làm bánh, nấu đám đều rất thuần thục, lúc rảnh rỗi thì ra đồng phụ chồng coi sóc ruộng nương, cày cấy. Nhìn bà làm, đám thanh niên trong làng đều nghiêng mình nể phục. Chiến tranh, vợ chồng, con cái đùm túm nhau tản cư, bỏ hết nhà cửa, ruộng nương. Rồi miền Nam giải phóng. Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Cả trăm công đất ruộng còn lại gần 20 công, trâu bò chết hết, tiền bạc túng thiếu…, chồng cụ Trù buồn rầu sinh bệnh qua đời.

Vợ chồng ông Phương dọn về ở luôn với má. Cụ Trù cũng ngưng hẳn việc đồng áng từ đó, ra vào phụ giúp việc nhà, đi chùa… Khoảng 3 năm nay, cụ không đi đâu được nữa, mọi sinh hoạt gói gọn trong phạm vi nhỏ từ giường xuống võng.

Nương nhờ con hiền, dâu thảo

Căn bếp nhỏ phía sau nhà cũng là nơi sinh hoạt chính của cụ Trù cùng vợ chồng ông Phương, bà Ba. Chiếc giường nhỏ của cụ Trù được kê sát vách; trên đó xếp gọn mền, gối, khăn và áo ấm. Giường ngủ của ông Phương đặt kế bên để canh cụ mỗi đêm.

Theo lời bà Ba, trước đây, cụ Trù ngủ ở phòng trên ngoài nhà chính nhưng cụ không ý thức được việc đi vệ sinh, phòng lại kín nên phải dời cụ xuống nhà dưới để tiện vệ sinh, dọn dẹp. Nhờ sự kỹ lưỡng, vén khéo của bà Ba mà gian bếp luôn sạch sẽ, ngăn nắp.

Hơn 50 năm làm dâu và hơn 40 năm sống chung với mẹ chồng, bà Nguyễn Thị Ba là người luôn cận kề, yêu thương, chăm sóc cụ Trù. “Bà con họ hàng, láng giềng hay ghẹo tôi là già gần 80 tuổi rồi mà còn làm dâu. 75 tuổi, tôi vẫn chưa được thảnh thơi mà tất bật cơm nước, giặt giũ, vệ sinh tắm rửa… cho má chồng mỗi ngày. Tôi nghĩ có duyên mới được làm mẹ con. Gắn bó với nhau mấy chục năm, tôi thương má chồng như má ruột. Tôi đi đâu cũng tranh thủ về sớm vì sợ không ai chăm sóc, vệ sinh cho bà. Lạ là bà chỉ thích tôi tắm rửa cho bà, mấy đứa cháu đụng vào, bà đều lắc đầu không chịu” - bà Ba tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng bà Ba đưa tay xoa bóp đôi chân đang đau nhức do viêm khớp. Mấy hôm nay, khách đến thăm cụ Trù nhiều, bà đi lại tiếp khách liên tục nên chân cũng trở đau mà chưa có thời gian đi khám. Giờ bà Ba chỉ mong có đủ sức khỏe để chăm lo cho mẹ và chồng.

“Sống đến từng tuổi này, giờ vợ chồng tôi cũng nương nhờ con cái, mỗi đứa phụ giúp chút ít. May mắn là cả 7 đứa con tôi đều hiếu thảo, thường xuyên thăm nom hỏi han, gửi tiền, sữa… cho cha mẹ dùng. Vợ chồng tôi không mong muốn gì hơn là được khỏe mạnh để cùng nhau chăm lo chu đáo cho bà cụ” - bà Ba nói.

Trả lời câu hỏi “cụ Trù có bí quyết gì để sống trường thọ?”, bà Ba cười hiền: Chắc do di truyền. Anh chị em của bà cụ ai cũng sống thọ, người em kế bà mới mất cách đây 4 năm. “Nhà tui nông dân nên đâu có bí quyết gì. Cụ ăn uống, ngủ nghỉ cũng giống như người bình thường. Cả nhà ăn sao, cụ ăn vậy. Cụ sống rất nguyên tắc, ăn uống đúng giờ và đặc biệt luôn giữ được tinh thần lạc quan, thoải mái, không hờn giận ai. Có lẽ nhờ vậy mà cụ dễ ăn, dễ ngủ. Lúc còn khỏe mạnh, minh mẫn, hễ đặt lưng xuống là cụ ngủ”.

Cụ Trù ăn uống, sinh hoạt giản dị, thích ăn tôm cá tự nhiên, rau dại trong vườn. Cụ thích nhất là thịt kho nước dừa và canh chuối. Mỗi lần ăn cơm với canh chuối, bà cụ ăn rất ngon, có khi hết chén cơm rồi còn muốn thêm chén nữa. Ngoài ra, bà cụ rất hảo ngọt, thích ăn chè và ngậm đường phèn. Vậy mà bà giữ được sức khỏe dẻo dai, ít khi đau ốm và chưa từng đi bệnh viện. 

Xã có nhiều người sống lâu

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, cho biết ngoài cụ Trù đạt kỷ lục 121 tuổi, trong xã còn có 3 cụ sắp bước qua tuổi 100. Địa phương luôn có chính sách chăm lo để các cụ sống lâu, sống khỏe với gia đình. Còn theo gia đình cụ Trù, hiện nay, mỗi tháng, cụ được trợ cấp 240.000 đồng; Tết được tặng quà và 500.000 đồng tiền mặt; hằng năm đều có thư mừng thọ của xã, huyện và thành phố.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo