xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp lại Hòa “cu Theo”

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nhân vật ấy từng đi vào thơ Tố Hữu, “Tên em là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thường gọi em là cu Theo”, được cả nước biết từ những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến bây giờ

Sau này về hưu, ông Nguyễn Văn Hòa (62 tuổi), nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, rời thành phố lên sống ẩn dật nơi mình đã chào đời là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy để chăm nom ruộng nương. Dọc đường tìm đến nhà ông, gặp nhiều đứa trẻ trong làng, vẫn nghe kể về kỳ tích “Hòa cu Theo” một thời đánh giặc huy hoàng.

Hai lần được phong “dũng sĩ”

Chỗ vợ chồng ông sinh sống bây giờ, hồi thời chiến tranh bị chính quyền Sài Gòn và Mỹ gọi là ấp chiến lược, thuộc xã Nguyên Thủy, huyện Hương Thủy. Đó là quãng thời gian lửa đạn ác liệt, Mỹ - ngụy dồn dân Nguyên Thủy lại một vùng để dễ quản lý.

Ông Nguyễn Văn Hòa bên bức ảnh thời thiếu niên ra Bắc gặp Bác Hồ
Ông Nguyễn Văn Hòa bên bức ảnh thời thiếu niên ra Bắc gặp Bác Hồ

Gia đình có 3 anh chị em, ông là con út, cha đi tập kết ra Bắc học tập từ khi Hòa mới 1 tuổi. Thuở đó, mẹ ông - bà Nguyễn Thị Quên - một mình gồng gánh nuôi 3 con thơ. Người cha chỉ kịp đặt cho ông cái tên là Theo, ngày ngày mọi người gọi là “cu Theo” cho dễ nhớ.

Do ở trong ấp chiến lược, ban ngày thì đối mặt với lính Mỹ - ngụy, ban đêm lại được tiếp xúc với các chú Việt cộng nằm vùng nên lên tuổi 12, cu Theo đã là đội trưởng Đội Thiếu niên của xã. Hằng đêm, cu Theo lại tập hợp bạn bè đồng trang lứa trong xã đến nhà người dân vận động đừng theo giặc, nếu thấy giặc hãy báo lại cho cách mạng.

Rồi cu Theo được vào đội du kích của xã, làm nhiệm vụ dẫn đường cho các anh chị thanh niên xung phong mỗi bận qua quê mình. Gan lì, dũng cảm nên cu Theo chẳng mấy chốc được các anh chị hoạt động cách mạng ở vùng Hương Thủy tin tưởng. “Thời đó, chúng tôi thường ăn bờ ngủ bụi, tối nào cũng không có mặt ở nhà vì bận hoạt động” - ông Hòa kể.

Một buổi sáng mùa hè năm 1966, khi vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn ở một vạt cây ven đường tại thôn Nguyệt Biều, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cu Theo đã nghe thấy tiếng xe jeep của quân Mỹ rền vang một khu đồi. Lọ mọ ngồi dậy, trước mắt chỉ chừng 15 m đã có đến 5 chiếc xe jeep cùng hàng chục lính Mỹ bắt đầu đổ bộ vào làng.

Không chần chừ, cu Theo vơ lấy khẩu cạc-bin mới được phe ta cấp chiều hôm trước rồi nhắm thẳng vào đội hình lính Mỹ vừa bước xuống xe “quạt” một tràng. Sau tiếng súng, 3 tên lính Mỹ đổ sập, nằm bất động, đội hình còn lại nhảy lên xe tháo chạy. Từ trong bụi cây, cu Theo bước ra bồi thêm vài viên đạn.

Sau khi bị tấn công bất ngờ, lính Mỹ ổn định đội hình, quay lại tấn công đối phương. Cu Theo liền rút chạy khỏi hiện trường nhưng vẫn bị truy kích gay gắt. Tiếng súng nổ liên tục, đạn pháo của xe tăng cứ nhằm gót chân cu Theo mà nã rền vang cả khu đồi. Cu Theo chạy về hướng đồi Hương ở khu vực Tuần sát bên dòng sông Hương để trốn. “Tôi nấp ở dưới mép sông, phía trên xe tăng địch nã đạn liên hồi, may mắn là bờ sông có nhiều tre nên chẳng hề hấn gì” - ông nhớ lại.

Cuộc truy sát kéo dài đến tối cùng ngày thì lính Mỹ bắt đầu rút lui. Cu Theo cũng rời chỗ ẩn nấp quay về làng nhưng những tháng ngày sau đó phải liên tục “ăn bờ ở bụi” cùng đồng đội. “Tôi nhờ người làng nhắn lại với mẹ rằng mình vẫn an toàn. Khi thì nhờ họ nhắn với bà mua cho tôi gói thuốc, lúc thì cái áo, nắm xôi. Thời đó tham gia đánh giặc hăng hái lắm, chẳng sợ chết!” - ông hồi ức.

Tiếp đó, cu Theo được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và các anh chị lớn tuổi đặt cho tên mới là Nguyễn Văn Hòa để tránh bị lộ.

Đầu năm 1967, cu Theo lại được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng” vì một mình giết chết 5 tên lính ngụy bằng khẩu súng cạc-bin khi giáp mặt 1 trung đội địch đi bộ qua cầu Lim ở xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy (cũ).

Sau 2 vụ đánh trận nổi tiếng ấy, cu Theo trở về với công việc giao liên và tiếp tục dẫn đường đưa các đoàn bộ đội, thanh niên xung phong đi làm nhiệm vụ qua địa bàn.

Có lần, trong lúc dẫn đường đi tải gạo qua xã, ông và đoàn thanh niên xung phong bị địch phục kích. Dù bị địch bắn 2 viên đạn vào cánh tay trái và ngực phải nhưng cu Theo vẫn bắn trả đến cùng. Sau khi thoát vòng vây, được các y - bác sĩ cứu chữa, gắp đạn ra khỏi người, cu Theo may mắn thoát chết.

Tìm được cha qua thơ Tố Hữu

Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng giờ đây, ông Nguyễn Văn Hòa vẫn nhớ như in chuyến ra Bắc vào dịp 2-9-1968 để được gặp Bác Hồ. Đó là chuyến đi bộ kéo dài hơn 1 tháng ròng rã men theo đường Trường Sơn đầy mưa bom bão đạn. Ông kể: “Đoàn chúng tôi chỉ có 4 người, là bạn bè đồng trang lứa được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ” ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đứa nào cũng háo hức, cứ phăng phăng băng rừng lội suối để nhanh được gặp Bác. Vào ngày 4-9-1968, tại Phủ Chủ tịch, tôi cùng các bạn trong đội “Dũng sĩ diệt Mỹ” miền Nam được thỏa lòng ước mơ gặp Bác. Bác đã ân cần hỏi han gia cảnh từng đứa, sức khỏe của mỗi người. Lúc đó, chúng tôi rất xúc động, nước mắt chực chờ rơi mà chân muốn bước cũng chẳng được”.

Sau buổi cơm tối, Bác Hồ đã hỏi từng cháu về nguyện vọng của mình. Có đứa nói muốn về nhà, đứa muốn ở lại học. Riêng cu Theo nói với Bác là muốn gặp lại người cha của mình vì đã 14 năm xa cách. Nghe trình bày xong, Bác liền quay qua nói với nhà thơ Tố Hữu hãy giúp đỡ cu Theo - người đồng hương.

Sau chuyến gặp gỡ đó, Nguyễn Văn Hòa được ở lại Hà Nội để chữa bệnh và đi học. Vào cuối năm 1968, tại buổi mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Hòa lại được vinh dự gặp Bác Hồ. “Mới gặp tôi, Bác hỏi ngay việc tìm cha của mình đã có kết quả gì chưa. Tôi thưa rằng là chưa gặp được cha, Bác liền quay sang hỏi nhà thơ Tố Hữu sao lâu vậy” - ông Hòa xúc động.

Sau lễ mít tinh, Nguyễn Văn Hòa được nhà thơ Tố Hữu cho xe đón về nhà riêng và nói rằng dù đã gọi điện thoại khắp mọi nơi nhưng do chiến tranh, điều kiện khó khăn nên chưa tìm được cha cho ông. Rồi nhà thơ Tố Hữu ngồi hỏi cặn kẽ ông về hoàn cảnh gia đình, họ tên cha mẹ, quê quán…

Chừng vài ngày sau, trên Báo Nhân Dân in một bài thơ, tiêu đề “Chuyện em Hòa…” được viết theo thể lục bát, dài 112 câu. Bài thơ bắt đầu bằng mấy câu: “Tên em là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thường gọi em là cu Theo/Cha đi tập kết, nhà nghèo/Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con…” và kể về tên tuổi cha, mẹ, anh, chị của Hòa rất chi tiết.

Thật bất ngờ, 10 ngày sau khi bài thơ đăng tải, nhà thơ Tố Hữu nhận được bức điện đánh ra từ tỉnh Quảng Bình báo tin: Cha “cu Theo” là ông Nguyễn Văn Cục, lúc trước công tác tại Huyện ủy Lệ Thủy, đã nghỉ hưu và đang sinh sống ở địa phương này. Và 1 tháng sau, ông Cục đã được đưa ra Bệnh viện K15 - nơi Hòa đang được điều trị - để cha con gặp nhau.

Xa cha khi mới lọt lòng nên khi ngồi đối diện, chẳng nhận ra nhau. Rồi phải hơn 1 giờ hỏi qua đáp lại về gia đình, quê hương, cả hai mới ôm nhau khóc nức nở. “Hai cha con ở với nhau hơn 1 tháng, sau đó cha tôi phải vào Quảng Bình vì đã có gia đình riêng. Phải đến năm sau giải phóng, ông mới trở lại cố hương để đoàn tụ với mẹ tôi” - ông Hòa cho biết.

Riêng ông Hòa vẫn ở lại học hành để rồi sau đó trở thành người lính quân đội, theo Quân đoàn 2 vào giải phóng miền Nam và tiếp quản tỉnh lỵ Bà Rịa - Vũng Tàu, đến năm 1976, ông mới trở lại quê hương Thừa Thiên - Huế sau 8 năm đi xa. Lần trở về đó, mẹ ông không tin nổi con mình vẫn còn sống sót, bà đã ngất xỉu trong vòng tay con trai.

Khắc sâu nghĩa tình đồng đội

Những năm sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Hòa được đào tạo tại Học viện Chính trị rồi đi huấn luyện lính nhảy dù ở Hải Phòng. Sau một vụ tai nạn trong lúc huấn luyện, ông xin rời quân ngũ để về quê sinh sống và làm việc ở Huyện ủy Hương Thủy, rồi chuyển lên công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Về hưu, hằng ngày ông vui thú điền viên
Về hưu, hằng ngày ông vui thú điền viên

 

Giờ đây, khi đã về hưu, ông chọn cho mình cuộc sống của một nông dân, ngày ngày gắn với ruộng vườn. Những lúc rảnh rỗi, ông lại phối hợp với các cơ quan, ban - ngành tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đến nay, ông đã tìm được gần 50 hài cốt liệt sĩ để đưa về an táng tại các nghĩa trang ở Huế. “Đời tôi trải qua khá nhiều lần vào sinh ra từ bởi chiến tranh, bệnh tật, tưởng chừng không qua khỏi nhưng dường như cái số của tôi sống còn dai lắm vì nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vẫn cần đến tôi” - ông tâm sự.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo