Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25-3 là thời hạn để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải báo cáo về phương án điều chỉnh giá điện năm 2017. Trong khi đó, hạn cuối cho hiệp thương giá than lại đến ngày 30-3.
Chưa ngã ngũ
Ngày 27-3, đại diện EVN cho hay vẫn chưa thể có phương án giá điện bởi đợi kết quả hiệp thương giá than.
“Hiện chưa đủ số liệu đầu vào để xây dựng phương án giá điện. Giai đoạn này, giá than chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá điện, riêng thủy điện có nơi đắt hơn, có nơi rẻ hơn nhưng không đáng kể. Với giá than thì xét theo diễn biến của thị trường thế giới, ngành than được điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, nếu gặp phản ứng của các ngành sử dụng than nhiều thì quy định của nhà nước cũng cho phép hiệp thương giá than. Trong đó, điện là một trong những ngành sử dụng nhiều than và hiện còn chờ kết quả hiệp thương này” - đại diện EVN nói và cho biết quản lý tất cả thông số đầu vào của ngành điện là Bộ Công Thương. Hằng năm, Bộ Công Thương xây dựng giá điện cơ sở. Nếu đầu vào biến động, nhất là đầu vào chiếm tỉ trọng lớn như giá than, thì không chỉ EVN mà cả Bộ Công Thương đều sẽ phải xây dựng lại kế hoạch, phương án.
Cuối năm 2016, thực hiện nội dung Văn bản số 353 của Bộ Tài chính về việc kê khai giá bán than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có Quyết định số 3005 về ban hành giá than ở thị trường trong nước. Theo đó, giá than điều chỉnh tăng từ 3%-10,7% tùy chủng loại từ ngày 24-12-2016. Tuy nhiên, đến hiện tại, các hợp đồng mua than chưa được ký kết do chưa “ngã ngũ” về giá.
Chi phí mua điện từ nguồn phát thường chiếm hơn 60% giá thành điện. Trong khi đó, tỉ lệ thủy điện đã đạt đến giới hạn khai thác và nhường chỗ cho nhiệt điện than, dầu. Như thế, kịch bản giá điện được cho là phụ thuộc rất nhiều vào giá than nên cần chờ kết quả hiệp thương giá than bởi hiện nhiệt điện than chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn điện của cả nước.
Quan trọng là minh bạch
Trước khi Quyết định 3005 được ban hành, đầu tháng 11-2016, TKV có quyết định về việc điều chỉnh giá bán một số chủng loại than tại thị trường trong nước. Theo đó, TKV điều chỉnh giá bán cho 8 loại than cám theo hướng cao hơn giá bán trước đây. Ví dụ, giá than cám 4a1 là 2.055.000 đồng/tấn, tăng 195.000 đồng/tấn (khoảng 10%); giá than cám 5a1 là 1.700.000 đồng/tấn, tăng 50.000 đồng/tấn (khoảng 3%). Quyết định này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều than như phân bón, nhiệt điện “kêu trời” vì chi phí đầu vào tăng. Thậm chí, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp còn đặt câu hỏi liệu giá than tăng có bất hợp lý không khi mà giá xăng dầu và than đá thị trường thế giới thời điểm đó đang đà sụt giảm.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài việc chờ kết quả hiệp thương giá than cho điện, cần lên tiếng về việc yêu cầu ngành than giải trình việc tăng giá. Hiện giá than đang là lý do chính trong việc điều chỉnh giá điện theo hướng tăng. Cần làm rõ giá than tăng có đúng theo thị trường không, nhất là khi nhiều mặt hàng năng lượng khác đang có mức giá thấp.
TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - cho hay áp lực tăng giá điện là hiển nhiên khi tỉ lệ nguồn phát nhiệt điện tăng cao hơn so thủy điện. Tuy nhiên, để giải quyết được băn khoăn của một bộ phận người dân về tính minh bạch giá điện, cần làm rõ các yếu tố của giá thành điện. “Trong việc điều chỉnh giá điện, mức tăng thấp hay cao không còn là vấn đề. Đầu vào tăng thì giá điện tăng, người dân tán thành. Quan trọng là giá điện đã minh bạch hay chưa? Nếu làm rõ được thì không chỉ năm 2017, các năm tiếp theo nữa, giá điện có điều chỉnh thì người dân cũng đồng tình” - ông Lâm nói.
Cần giảm chi phí
Các chuyên gia trong ngành thừa nhận một số yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện hiện hành, như biến động tỉ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường tăng từ tháng 12-2016… Tính toán của ngành điện cho thấy riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ ngày 24-12-2016 có thể sẽ làm chi phí của “nhà đèn” đội hơn 4.692 tỉ đồng và sẽ là yếu tố tác động đến giá điện năm 2017. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý ngành điện ngoài việc minh bạch thông tin thì cần hết sức tiết giảm chi phí, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về lộ trình phấn đấu cắt giảm 7,5%-10% chi phí không thường xuyên của tập đoàn.
Bình luận (0)