“Thi hành án một vụ kiện thông thường đã không ít khó khăn, kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) lại càng khó khăn gấp bội, bởi hầu hết những công ty nợ BHXH là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tài sản đã cầm cố ngân hàng” - ông Nguyễn Văn Sau, cán bộ thi hành án quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nói.
Thắng kiện, tiếp tục khởi kiện
Theo ông Sau, nhiều đối tượng thi hành án nợ BHXH bất hợp tác, thường xuyên né tránh khi cán bộ thi hành án đến làm việc, nên việc xác minh tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, kênh xác minh tài sản duy nhất là thông qua các cơ quan chức năng liên quan.
Ông Văn Phúc Long, Trưởng Phòng Thu nợ BHXH TP Đà Nẵng, cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Hầu hết các vụ khởi kiện đòi nợ BHXH, BHXH TP Đà Nẵng đều thắng kiện nhưng việc thi hành án rất gian nan. Trong năm 2013, khởi kiện 41 đơn vị ra tòa án và đều thắng kiện, với tổng số tiền lên đến 26,368 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này chỉ thu được 6,798 tỉ đồng. Ông Long cũng cho biết hiện việc thi hành án nợ BHXH còn gặp nhiều khó khăn hơn bởi muốn thi hành thì BHXH phải tự đi xác minh tài sản của đơn vị nợ BHXH rồi gửi cho cơ quan thi hành án nhưng cán bộ BHXH không có đủ quyền để buộc đơn vị nợ BHXH đưa giấy tờ chứng minh tài sản. Nếu nhờ cơ quan thi hành án xác minh thì phải trả lệ phí, khoản phí này BHXH không thể quyết toán được vì không nằm trong mục ngân sách được duyệt. Vì vậy, hầu hết số tiền mà các đơn vị trả nợ sau khi ra tòa là do họ tự nguyện đến nộp chứ việc thi hành án là không thể. Cách duy nhất hiệu quả là nếu không thi hành án được thì tiếp tục khởi kiện. Vì mỗi lần kiện, đơn vị thua kiện phải tốn thêm 3% tổng số tiền nợ mà tòa án thì không giới hạn số lần khởi kiện.
Ông Long dẫn chứng năm 2009, BHXH Đà Nẵng khởi kiện Công ty Xây dựng Công trình giao thông 133 với số nợ 1,237 tỉ đồng nhưng đơn vị này không trả được. Năm 2013, BHXH Đà Nẵng khởi kiện lần 2 thì công ty này mới chịu trả gần 500 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Hiền, Phó Phòng Thu BHXH Đà Nẵng, người đại diện cho đơn vị nhiều lần đi xác minh tài sản các đơn vị nợ BHXH, cho biết BHXH chỉ xác minh được số tài khoản của đơn vị đó khi họ chuyển tiền thanh toán BHXH những lần trước đó, còn tài sản là ô tô, nhà cửa thì hầu như họ né tránh, lúc bảo sếp đi vắng, lúc bảo ngồi chờ. “Không ít lần tôi ngồi chờ hàng giờ rồi chỉ nhận được lời xin lỗi” - bà Hiền tâm sự và cho biết nhiều vụ phải nhờ bên thi hành án xác minh nhưng nhiều công ty không có tài sản thi hành nên chịu. Như Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng nợ trên 6 tỉ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đông Quân nợ trên 140 triệu đồng nhưng sau khi xác minh, bên thi hành án trả lại đơn yêu cầu do không có tài sản thi hành.
Nợ bay theo chủ doanh nghiệp
Từ năm 2010 đến 2013, BHXH tỉnh Quảng Nam khởi kiện 52 đơn vị với tổng số tiền nợ BHXH là 26,93 tỉ đồng. Có 9 đơn vị được BHXH rút đơn kiện do trả nợ hoặc trả một phần (thu về 4,4 tỉ đồng), hòa giải thành với 20 đơn vị (thu hồi 8,4 tỉ đồng). Hiện còn 21 hồ sơ kiện đang được tòa án thụ lý. Có 3 doanh nghiệp thua kiện nhưng thi hành án không được là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quảng Nam (Công ty Xây dựng Quảng Nam), Công ty TNHH TMDV Lê Dung (khách sạn Lê Dung) và Công ty CP Giao thông Vận tải Quảng Nam (Công ty GTVT Quảng Nam).
Theo ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, TAND TP Tam Kỳ buộc Công ty Xây dựng Quảng Nam thanh toán nợ BHXH tính đến ngày 31-12-2013 là hơn 416,8 triệu đồng. Tuy nhiên, giám đốc công ty này là Phan Văn Minh đã rời khỏi địa phương trong khi doanh nghiệp còn nợ cả nhiều đơn vị khác, tài sản chẳng có gì đáng giá để thi hành án.
Khách sạn Lê Dung nợ 350 triệu đồng và chủ doanh nghiệp này cũng bỏ trốn, cho người khác thuê lại tài sản, khi xác minh tài sản thì chủ mới không thừa nhận. Trong quyết định công nhận thỏa thuận giữa BHXH với Công ty GTVT Quảng Nam vào ngày 12-9-2012, tòa án yêu cầu công ty này thanh toán cho BHXH hơn 978 triệu đồng. Do đơn vị này chây lì nên ngày 20-3-2013, phía thi hành án quyết định thi hành án theo yêu cầu của BHXH. Nhưng đến nay, công ty này mới trả 391 triệu đồng trong khi số tiền phát sinh đã lên đến hơn 1,4 tỉ đồng.
Theo ông Hà, số tiền thu hồi từ các vụ kiện được giải quyết và hòa giải thành công, để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động đạt tỉ lệ thấp làm cho mục đích khởi kiện chưa đạt như mong muốn. Các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp can ngăn chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc tạm hoãn xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Một số cán bộ làm công tác thi hành án chưa nhận thức rõ việc thu hồi nợ BHXH là cho nhà nước, lợi ích xã hội và người lao động, mà xem như thu hồi nợ ở các ngân hàng nên chưa phát huy hết trách nhiệm.
Ông Lê Tấn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự TP Tam Kỳ, cho biết hiện việc thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự nộp, chỉ khi gần phá sản hoặc ngắc ngoải rồi thì BHXH mới khởi kiện nên việc thi hành án rất nhiều khó khăn.
Tòa án lúng túng, bị động
Theo ông Phạm Ngọc Hà, xử lý vụ án về nợ BHXH là một lĩnh vực mới mẻ nên trong việc thụ lý hồ sơ khởi kiện, một số tòa án còn lúng túng, bị động, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian tố tụng làm cho số nợ BHXH của doanh nghiệp phát sinh ngày càng lớn. Ngoài ra, tòa án ở các địa phương vẫn còn thụ lý hồ sơ chưa thống nhất dẫn đến cơ quan BHXH phải bổ sung hồ sơ nhiều lần.
Kỳ tới: Làm căng, sợ doanh nghiệp “tắt thở”
Bình luận (0)