Hơn 10 năm nay, thầy giáo Lê Quang Châu (Trường Tiểu học xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) ở lại trường, không về ăn Tết với gia đình dù nhà chỉ cách đó khoảng 40 km.
Thưởng Tết - Chuyện trong mơ
“Không có tiền, về quê cũng ngại, đành ăn Tết tại trường. Phụ huynh nào gói bánh tét thì mang đến tặng. Quà Tết chỉ vậy nhưng thấy cũng ấm cúng” - thầy Châu tâm sự.
Năm nay, để được đón Tết với gia đình, ngay từ đầu năm, thầy Châu đã tiết kiệm tiền lương, phụ cấp hằng tháng. “Cuối năm, tôi dư được 6 triệu đồng” - ông khoe.
Thầy Phan Bình Hiệp, giáo viên khối lớp 1 Trường Tiểu học Danh Coi (xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), đã dạy học hơn 10 năm nay. Tùy điều kiện kinh phí mỗi năm mà thầy được nhà trường tặng quà Tết gồm 1 kg đường cát, bịch bột ngọt, chai nước mắm.
“Làm nghề này phải chấp nhận vậy thôi, không nên đòi hỏi gì. Có thưởng Tết thì vui mà không có cũng chẳng sao cả” - thầy Hiệp ngậm ngùi.
Còn tại Trường Tiểu học - THCS Trà Xinh (xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi), cô hiệu phó Nguyễn Thị Kim Anh chưa một lần được thưởng Tết. Với cô, phần thưởng Tết lớn nhất là những bó rau, ít măng rừng, một vài cây bánh hay ít cá niêng của bà con thiểu số tặng.
“Có năm, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh cũng tặng dầu ăn, hạt dưa cho chúng tôi đón Tết” - cô cho biết.
“Cứ nghe rục rịch tới Tết là giáo viên chúng tôi thấy sợ vì chẳng biết xoay xở vào đâu” - ông Trần Lễ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), gắn bó với học sinh vùng sâu vùng xa hơn 30 năm nay, tâm sự.
Nằm heo hút dưới chân núi Ngọc Linh, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) có 207 học sinh dân tộc Giẻ Triêng và gần 10 cán bộ, giáo viên. Nhắc đến chuyện thưởng Tết, hiệu trưởng Nguyễn Văn Ánh lắc đầu: “Đó là chuyện trong mơ”.
Ông Đỗ Minh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - cũng cho biết chưa từng thấy giáo viên được thưởng Tết. Ông Tâm nhớ năm 2013, mỗi giáo viên và công nhân, viên chức được UBND tỉnh tặng 500.000 đồng ăn Tết nhưng đến năm 2014 thì không còn.
Theo ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết. “Gắn bó lâu năm với ngành giáo dục, mỗi khi Tết đến, tôi cũng thấy chạnh lòng. Ngành giáo dục luôn chịu thiệt thòi hơn so với nhiều ngành khác về khoản thưởng Tết nhưng biết làm sao hơn vì khó tìm ra nguồn”.
Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, nhẩm tính toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 giáo viên các cấp. Nếu chỉ dành khoảng 200.000 đồng thưởng Tết cho mỗi người thì phải mất hơn 3,2 tỉ đồng. Khoản kinh phí này không biết lần đâu ra.
Quà động viên là chính
Kinh phí hoạt động của các trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa thường eo hẹp, lại không có nguồn thu nào khác nên quà Tết cho giáo viên hầu hết đều phụ thuộc vào ngân sách địa phương.
Tại An Giang, năm nay, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi giáo viên 600.000 đồng ăn Tết. Cô Lê Thị Mười Một, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải (xã An Nông, huyện Tịnh Biên), cho rằng dù không nhiều nhưng đó cũng là niềm động viên các thầy cô phấn đấu hơn.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai có hơn 25.000 giáo viên dạy học ở các cấp. Những năm trước, theo chính sách chung của tỉnh, đến Tết Nguyên đán, các cán bộ, viên chức đều được thưởng 100.000-200.000 đồng.
Một số trường có điều kiện hơn cũng đã tằn tiện suốt năm để có chút tiền gọi là “thưởng Tết”. Ông Phan Trần Duy Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Giang (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết để có được 500.000 đồng hỗ trợ giáo viên đón Tết, ban giám hiệu nhà trường đã hết sức tiết kiệm từ kinh phí cấp suốt năm 2014.
Tại Trường Tiểu học Thượng Quảng (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Hiệu trưởng Đặng Xuân Thu tâm sự: “Trong năm 2014, trường cố gắng tiết kiệm sử dụng điện, nước, chi phí tiếp khách, hội họp... mới có được khoản tiền lương tháng 13 cho giáo viên với mức 1 triệu đồng/người”.
Trong một lần trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó bởi ngay cả ở bộ cũng không có bất cứ nguồn nào. Theo bộ trưởng, đây là việc đặt ra ở các cơ sở giáo dục. Các địa phương có thể tùy hoàn cảnh của mình để có sự quan tâm tới các thầy cô.
“Ngành giáo dục thiệt thòi lắm, đã đề xuất rồi nhưng không có nguồn. Ngân sách của trung ương thì đã định mức rồi, giờ chỉ trông có nguồn nào đó để hỗ trợ giáo viên”.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam
Bình luận (0)