Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2014, các vụ án giết người chủ yếu do nguyên nhân xã hội từ thù tức (mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai, nợ nần, tình ái...), mâu thuẫn nhất thời (va chạm giao thông, xích mích qua lời nói, thái độ...).
Những vụ án thương tâm
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết các vụ giết người do nguyên nhân xã hội tiếp tục gia tăng và chiếm hơn 90% trọng án. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội với hành vi ngày càng dã man hơn.
Trong đó, vụ giết người khiến dư luận bàng hoàng vừa mới xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng vì mâu thuẫn vợ chồng. Chỉ vì ghen tức chồng lấy vợ mới, Nguyễn Thị Lý (SN 1982, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nảy sinh ý định giết con của 2 người là cháu Nguyễn Lý Thành Long mới 8 tuổi. Trưa 22-6, cơn ghen trong người trỗi dậy, Lý lấy dao chém nhiều nhát vào cổ trong lúc cháu Long đang ngủ khiến cháu tử vong.
Ngày 18-6, sau một thời gian bỏ trốn vì nợ nần, Đỗ Minh Quân (SN 1984, ở quận Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến gặp vợ là chị L.T.M.H (SN 1990) để kêu trở về cùng chung sống. Trước đó, do sợ bị chồng đánh đập, chị H. đã bế con về nhà mẹ ở. Thuyết phục vợ bất thành, Quân liền lấy dao đâm liên tiếp khiến vợ mình gục chết tại chỗ.
Sáng 23-6, do em là Lò Văn Lụa (SN 2000) thường xuyên trộm cắp của người dân trong bản, Lò Văn Long (SN 1995, ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) trói rồi dùng bông tẩm xăng buộc vào lòng bàn tay Lụa châm lửa đốt để răn đe. Hậu quả, Lụa bị phỏng nặng và tử vong sau đó.
Cần chung tay loại trừ cái ác
Là người nghiên cứu nhiều năm về tội phạm, thượng tá - tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân, cho biết trong các vụ án giết người có tính chất dã man, nguyên nhân một phần xuất phát từ sự gia tăng của yếu tố bạo lực trong xã hội và tiêu cực từ gia đình. “Đa số các vụ con giết cha, anh em giết hại lẫn nhau là do ảnh hưởng của bạo lực gia đình hoặc một trong những người đó có lối sống thiếu lành mạnh, đặc biệt là ở nhóm đối tượng thanh niên đã chứng kiến hành vi phạm tội và bạo lực trong gia đình” - thượng tá - tiến sĩ Đức nhận định.
Theo thượng tá - tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm bạo lực, tội phạm nhân thân còn nhiều sơ hở. Nếu luật pháp chế tài nghiêm khắc và đầy đủ hơn thì ý thức con người sẽ tốt hơn hoặc áp dụng pháp luật một cách công minh cũng sẽ hạn chế, phòng ngừa hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, trước những hành vi bạo lực, trái pháp luật, người dân thờ ơ, không dám ngăn chặn, đấu tranh với cái ác dẫn đến những hành vi này xuất hiện cả nơi công cộng. Sở dĩ có hiện tượng này là chưa tạo được phong trào đấu tranh chống tội phạm cho người dân.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng tội phạm do nguyên nhân xã hội dự báo sẽ còn gia tăng bởi nhiều tác nhân như khó khăn trong đời sống kinh tế của mỗi gia đình, ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ mở cửa...
Theo TS Trịnh Hòa Bình, cần tạo bộ “ứng xử cộng đồng” để mỗi người có thể vận dụng ứng xử khi gặp các tình huống, nhất là trong lúc bị kích động. Ở môi trường gia đình, cần giáo dục cho người trẻ những bài học yêu thương, biết quan tâm, chăm sóc người khác và ý thức về trách nhiệm với hành động của mình. Người lớn cũng cần là tấm gương tốt cho con cháu trong nhà. Nếu làm điều xấu, điều ác sẽ bị xã hội tẩy trừ, cuộc sống không thừa nhận… thì mọi người sẽ ý thức và sống tốt hơn. “Cả cộng đồng sống lành mạnh, thủy chung, tôn trọng đạo nghĩa và luật pháp thì tội ác sẽ bị tẩy trừ” - TS Bình nói.
Một lãnh đạo Cục Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng việc ngừa tội phạm rất quan trọng, nhất là công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Bình luận (0)