Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970, thanh niên nam nữ trên dưới 20 tuổi - đặc biệt là học sinh, sinh viên - rất yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Lúc này, chiến tranh không còn xa tít ở ngoại vi thành phố mà đã vọng về Sài Gòn.
Tuổi trẻ xuống đường tranh đấu
Thanh niên mới lớn đều thấm thía sự khốc liệt của cuộc chiến nên thể hiện lý tưởng qua những cuộc xuống đường nuôi khát vọng hòa bình, ước mơ một đất nước không còn đạn bom. Đó cũng là lúc nhạc Trịnh Công Sơn đồng hành với giới trẻ không chỉ bằng những bản tình ca.
Nhạc phản chiến của Trịnh như: Ta đã thấy gì trong đêm nay, Người con gái Việt Nam, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ, đặc biệt là bài Nối vòng tay lớn được phát vào trưa 30-4-1975 trên Đài Phát thanh Sài Gòn, phổ biến không kém những nhạc phẩm Ướt mi, Diễm xưa, Tình nhớ, Tình xa, Chiều một mình qua phố...
Tuổi trẻ chúng tôi lúc đó, từ con nhà bình dân đến trưởng giả, học sinh, sinh viên ở trọ hay vừa học vừa đi làm, dù trực tiếp tham gia những cuộc xuống đường hay không, đều nếm mùi lựu đạn cay của Mỹ. Một chất cay kinh khủng từ khói thoát ra, lan tỏa trong không khí, không chỉ làm 2 mắt cay xè, chảy nước mắt sống ràn rụa mà khiến bạn phải vục mặt vào hồ nước. Vậy mà đêm đến, những tâm hồn tươi trẻ vẫn hào hứng kéo nhau tới những quán cà phê có dàn máy Akai phát nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly, đơn giản chỉ để uống cà phê, tình tự và nghe nhạc Trịnh. Hết những bản tình ca bay bổng tới sự sôi nổi, thúc giục của các ca khúc phản chiến đều gửi gắm khát vọng hòa bình qua những ca từ và “chất liệu nhạc” đã trở thành thương hiệu Trịnh Công Sơn.
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay…
Sôi nổi nhất của một thời tuổi trẻ Sài Gòn với nhạc Trịnh có lẽ là Hội quán Văn trong sân Trường ĐH Văn khoa cũ, nằm ở 3 mặt đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) - Lý Tự Trọng (Gia Long cũ), quận 1. Một nhóm sinh viên đã biến khoảng đất trống nhiều cỏ trong khuôn viên trường (sau dời về đường Cường Để, giờ là Đinh Tiên Hoàng) thành nơi tụ tập thanh niên, sinh viên, học sinh.
Một quán cà phê đơn sơ toàn phên nứa cót ép với những chiếc bàn thấp, ghế đẩu được dựng lên. Bàn ghế cũng đơn sơ, cơ động không khác gì quán nhưng không gian cực kỳ sang trọng bởi ở quầy tính tiền luôn chưng một bình hoa tươi màu tím và sau quầy, một cô gái trẻ đẹp, môi hay cười, mắt chớp chớp, tóc dài luôn mặc áo dài màu vàng tên Nhuệ Giang. Cô thu ngân này không cho ai thiếu tiền cà phê nhưng đặc biệt cho tôi và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (tác giả của Ở một nơi ai cũng quen nhau, Cô gái treo mùng) thiếu. Và thiếu, có khi... không trả.
Xóa nhòa khoảng cách
Hội quán Văn (về sau gọi tắt là Cà phê Văn) là nơi mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly khi mới từ Đà Lạt xuống đã hát ra mắt những đêm nhạc Trịnh đầu tiên tại Sài Gòn trên cái bục gỗ thấp kê ở bãi cỏ chếch với quán cà phê phên nứa. Để có những đêm nhạc Trịnh cuối tuần vào cửa tự do này, Trịnh Công Sơn đã tập ráp nhạc cho Lệ Mai (tên thân mật của Khánh Ly) vào buổi trưa. Trịnh Công Sơn với cây guitar cũ, Khánh Ly hát mộc và bạn bè ngồi chung quanh.
Tối đến, Trịnh Công Sơn kính trắng gọng đồi mồi, áo sơn mi rộng, quần jeans bụi màu xanh đậm ôm đàn đứng dưới cỏ, cạnh bục gỗ làm sân khấu. Khánh Ly áo dài trắng hoặc màu nhạt đứng trước micro có chân cao. Những đêm nhạc Trịnh bắt đầu lúc 20 giờ. Dưới bãi cỏ đông kín người, đủ thành phần nhưng đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên với cà phê trên mặt ghế đẩu làm bàn. Họ ngồi bệt trên cỏ, im phắc. Rồi tiếng dạo đàn của Trịnh Công Sơn bắt tông, tiếng hát Khánh Ly cất lên. Một giọng hát nhựa nhựa, nũng nịu, đớt đớt, khỏe cực kỳ, vang xa, cao vút. Và đó là những run rẩy đến tận đáy lòng khi nghe Ru ta ngậm ngùi, Diễm xưa, Ướt mi, Người con gái Việt Nam, Ta đã thấy gì trong đêm nay…
Những đêm nhạc ấy thu hút hàng trăm, hàng ngàn thanh niên đến uống cà phê và thưởng thức một dòng nhạc không lẫn lộn của Trịnh, được cất cao giữa không gian bay thẳng lên bầu trời đêm bởi một giọng hát mới lạ, độc đáo của Khánh Ly. Nhạc Trịnh, giọng hát Khánh Ly và người nghe là giới trẻ Sài Gòn thời ấy như không còn giới hạn, khoảng cách mà hòa vào nhau, đồng cảm trong rung động, dạt dào những yêu thương, khát vọng, mơ ước…
Nhạc Trịnh Công Sơn từ quán Cà phê Văn được giọng hát Khánh Ly đưa thẳng ra công chúng. Hầu như ai cũng thuộc ít nhất một bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, không cứ gì học sinh, sinh viên, thanh niên nam nữ mà cả người già lẫn em bé ở khắp mọi nẻo đường.
Sự kỳ diệu của nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ tồn tại trong ký ức lứa tuổi trẻ Sài Gòn những năm 1970 hay trước đó mà bây giờ, cách 40 năm, người trẻ Sài Gòn cũng còn mến mộ. Đặc biệt, từ khi nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh về với “một cõi”, hầu như dòng nhạc Trịnh càng sống lại, bám sâu vào tâm hồn, cảm xúc của người nghe nhạc của ông ngày xưa và cả hôm nay.
Bình luận (0)