Làng biệt lập, sự giao tiếp với bên ngoài rất ít, người ta dựa vào kinh nghiệm sống để ứng xử với thiên nhiên, với cộng đồng. Mà kinh nghiệm sống thì cứ phải chọn từ các cụ già nên từ bao giờ hình ảnh già làng là các cụ già quắc thước, râu dài, mắt sắc, vừa có uy với con cháu vừa có uy với cộng đồng, cụ thể là làng mình.
Già làng vừa là quyền uy vừa là tri thức, lại vừa là tâm linh, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” để có thể xử tuốt các việc trong làng, từ lớn như quyết định dời làng lập làng, chiến tranh, cúng gọi mưa, cúng chống dịch bệnh, lý giải các giấc mơ... đến giải quyết các xích mích, cãi vã, ghen tuông..., tóm lại phải là một người giỏi, ưu tú nhất trong cộng đồng, trong làng. Có một số già làng còn kiêm luôn thầy cúng thì quyền hành và uy tín càng lớn.
Xã hội Tây Nguyên xưa gần như khép kín, ứng xử với nhau trong cộng đồng theo luật tục, vì thế vai trò của già làng vô cùng quan trọng. Nó cũng là nơi sinh ra các hủ tục nhưng đồng thời cũng làm cho tôn ti trật tự của làng được giữ vững, cấu kết làng trong một chỉnh thể thống nhất, vững bền. Nhờ thế mà dù còn rất lạc hậu, dù thường xuyên du canh du cư, đứng trước nguy cơ dịch bệnh hoành hành dẫn đến có thể xóa cả cộng đồng nhưng các làng Tây Nguyên đã tồn tại và giữ được nhiều phong tục tập quán, cách ứng xử với nhau, với tự nhiên rất hợp lý và hợp quy luật sống...
Sau này, vai trò già làng có chút thay đổi. Bởi bên cạnh già làng còn có chính quyền và các đoàn thể. Già làng chỉ còn vai trò trong việc hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền trong việc vận động dân làng thực hiện các chủ trương chính sách mà các cán bộ “chưa tự tin” khi tiếp xúc dân làng. Và cũng vì thế mà các già làng ngày càng trẻ. Về các làng Tây Nguyên bây giờ, ta có thể gặp những già làng chừng 40-50 tuổi, cá biệt có cả vài ba già làng là nữ như bà H’lâm ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Bà nguyên là thượng úy quân đội phục viên. Thời trẻ, bà đã có 2 năm được ra miền Bắc học rồi trở về quê đánh giặc. Bà trở thành già làng chỉ vì không chịu được cảnh dân làng mình lạc hậu, mông muội. Bà hướng dẫn người dân làm ăn, cách sống mới và biết áp dụng các điều kiện sống mới vào cuộc sống của mình. Vì can thiệp vào các hủ tục mà đã vài lần bà suýt bị cộng đồng đuổi ra khỏi làng. Nữ được suy tôn là già làng từ xưa đến nay như bà H’lâm ở Tây Nguyên rất ít.
Các già làng hiện nay có kiến thức nhiều hơn chứ không chỉ có kinh nghiệm sống. Họ vẫn tham gia vào đời sống cộng đồng khi cần, bằng uy tín và cả tri thức, bởi dân làng bây giờ cũng đã hiểu biết nhiều hơn, được học hành, biết phải trái chứ không chỉ cúi đầu lắng nghe. Chính quyền hiện nay khuyến khích vai trò già làng trong việc duy trì nền nếp, sự ổn định cũng như luật tục của làng. Có một số làng còn thành lập hội đồng già làng. Mỗi khi cán bộ xuống làng công tác, gặp được già làng hiểu công việc của cán bộ, là coi như đã xong một nửa…
Bình luận (0)