Đêm 31-7 rạng sáng 1-8-1964, tàu khu trục Maddox số hiệu 731 thuộc Biên đội 77, Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ vào sâu trong vùng biển Quảng Bình. Bộ Tham mưu Hải quân lập tức báo cáo Bộ Tổng Tư lệnh để xin chỉ thị. Maddox càng dịch dần về phía vịnh Bắc Bộ càng nghênh ngang. Khi đi qua các khu vực đèo Ngang, hòn Mát, hòn Mê, lạch Trường, khu trục hạm này mở hết công suất radar để do thám lực lượng của ta.
Tàu 40 tấn đánh khu trục 3.500 tấn
Quyết trừng trị hành động xâm phạm của tàu khu trục Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân được lệnh dùng lực lượng tàu phóng lôi của Đoàn 135 đánh Maddox nếu chiếc tàu này tiếp tục xâm phạm vùng biển của ta. Từ khu tuần phòng Thanh Hóa, 2 tàu tuần tiễu 142 và 146 cũng nhận lệnh chi viện cho các tàu phóng lôi.
Phân đội gồm 3 tàu phóng lôi 333, 336 và 339 do phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột chỉ huy rời căn cứ từ đêm 31-7 để tiếp cận Maddox. Phân đội trưởng - thuyền trưởng tàu 333 Nguyễn Xuân Bột cho tàu hành quân trong sóng to gió lớn từ Quảng Ninh đến trưa 2-8-1964 thì đến vùng biển hòn Mê. 50 năm đã qua nhưng ông Bột vẫn còn nhớ từng chi tiết của trận đánh: “Khoảng 13 giờ 30 phút hôm đó, Maddox vào phía Nam hòn Mê 10 hải lý, xâm phạm vùng biển Thanh Hóa. Đoàn trưởng Lê Duy Khoái liền ra lệnh cho chúng tôi xuất kích”.
Tàu khu trục Maddox bị tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam đánh đuổi ngày 2-8-1964 (ảnh trên) và tàu sân bay USS Ticonderoga tham chiến sau đó vài hôm. (Ảnh do Bảo tàng Hải quân cung cấp)
Tàu 333 đi đầu, đến khoảng 15 giờ ngày 2-8 thì phát hiện tàu địch. Đoàn trưởng Lê Duy Khoái chỉ thị cho 3 tàu tiếp cận Maddox theo phương án đã định. Ở tuổi 85, phân đội trưởng của 3 tàu ngư lôi ngày nào vẫn rất xúc động khi nhớ lại trận đánh đầu tiên trong đời binh nghiệp của ông: “Tàu chúng tôi quá nhỏ so với Maddox, trang bị vũ khí cũng không thể so sánh nhưng quyết tâm rất cao”.
Hải quân Việt Nam khi ấy biết rằng nếu chọi lại sức mạnh hải quân Mỹ thì không khác gì lấy trứng chọi đá. Tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam chỉ có 2 quả ngư lôi, pháo 14,5 li với trọng tải chưa đầy 40 tấn và thủy thủ đoàn hơn 10 người. Trong khi đó, Maddox thực sự là “con ngáo ộp” trên biển với khả năng độc lập tác chiến cao, từng nhiều năm hoạt động ở Đại Tây Dương rồi được bổ sung cho Hạm đội 7. Với trọng tải tối đa gần 3.500 tấn, tốc độ 33-35 hải lý/giờ, quân số 274 người, khu trục này còn có hệ thống vũ khí tối tân với 3 bệ pháo 127 li 2 nòng, 2 bệ phóng bom, 2 giàn phóng ngư lôi chống ngầm MK-32...
Cựu binh Nguyễn Xuân Bột giọng như đanh lại: “Không phải chúng tôi không biết sức mạnh ấy của tàu khu trục Maddox nhưng tinh thần và ý chí đánh địch lúc ấy cứ ngùn ngụt, không ai thấy sợ hãi gì. Phân đội do tôi chỉ huy cứ nhằm tàu địch mà áp sát theo các hướng”.
4 ngày, 2 lần đánh thắng hải quân Mỹ
Ban đầu, Maddox tỏ ra coi thường nhưng việc 3 chiếc tàu nhỏ bé dám tiếp cận ở cự ly rất gần, chỉ khoảng 2 km, để phóng lôi và dùng các loại súng bắn thẳng lên boong phần nào đã khiến chỉ huy khu trục hạm này hoảng hốt. Maddox bị bắn phá hư hại nhiều thiết bị.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột nhớ lại: “Bốn chiếc máy bay Mỹ liền lao tới để giải nguy cho Maddox và muốn nhấn chìm 3 chiếc tàu của ta xuống biển. Máy bay Mỹ khi ấy bay rất thấp. Vì thế, chiến sĩ của ta vọt cả lên boong, dùng trung liên bắn tới tấp. Các chiến sĩ trên tàu của tôi hạ được 1 máy bay Mỹ và làm một chiếc bị thương. Khu trục Maddox cũng phải quay đầu về Philippines sửa chữa”.
Ba ngày sau khi Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển Việt Nam, Hải quân Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ để chính quyền nước này có cái cớ thuyết phục quốc hội ra nghị quyết cho phép tiến hành tấn công miền Bắc. Lấy lý do Hải quân Việt Nam cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, ngày 5-8-1964, Mỹ triển khai biên đội tàu sân bay USS Ticonderoga, USS Constellation cùng 4 tàu khu trục. Nhận lệnh của Tổng thống Lyndon B. Johnson, hải quân và không quân Mỹ đồng loạt tấn công miền Bắc, mục tiêu chủ yếu là các căn cứ hải quân nằm ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.
Chuẩn đô đốc Trần Khoái, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân Việt Nam, cho biết: “USS Constellation thuộc lớp Kitty Hawk có độ choán nước toàn tải hơn 80.000 tấn, được xem là một trong những loại tàu sân bay hiện đại nhất nhì thế giới lúc đó. Lớp tàu này vẫn được Hải quân Mỹ sử dụng đến tận đầu thế kỷ XXI. Trên 2 tàu sân bay có 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A3D2, F8U, F4H”.
Theo ông Khoái, khi đó, hầu hết căn cứ của hải quân ta ven biển miền Bắc đều bị tấn công. “Mỹ tấn công ta với lực lượng lớn bằng một cỗ máy chiến tranh hiện đại bậc nhất thế giới sau hơn 9 năm miền Bắc sống trong hòa bình, hy vọng chúng ta bị động và bất ngờ để họ nhanh chóng có một chiến thắng. Ngay cả thời điểm bắt đầu cuộc tiến công, Mỹ cũng tính toán rất kỹ lưỡng, chọn đúng bữa trưa, giờ nghỉ của nhân dân và lực lượng vũ trang ta, cho thấy lý do từ sự kiện vịnh Bắc Bộ chỉ là cái cớ họ dựng lên. Sau này, những tài liệu của Lầu Năm Góc được giải mật cho thấy chính những thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ “nghị quyết vịnh Bắc Bộ” đã thừa nhận đây là một bản tuyên chiến đề ngày trước”.
Mục tiêu bất thành
Trong trận đầu thử sức với quân và dân miền Bắc, máy bay và tàu chiến hiện đại của Mỹ đã thất bại. Tám máy bay bị bắn rơi và nhiều chiếc hư hại, một trung úy phi công bị bắt sống, nhiều phi công tử trận. Mục tiêu chiến dịch đề ra là gây sức ép, đe doạ, lung lạc tinh thần nhân dân và quân đội ta không đạt được. Trong lòng nước Mỹ ngày càng lan rộng làn sóng phản đối, lên án hành động tấn công một quốc gia có chủ quyền.
Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là ngày đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ kéo dài đến tận năm 1973.
Kỳ tới: Ngoan cường trên biển
Bình luận (0)