Địa chung linh khí truyền thiên cổ - Thế xuất anh tài diễn ức niên (Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ ngàn xưa - Trời sinh hào kiệt lúc nào cũng có). Hai câu đối đầy tự hào này được khắc ghi trên cổng đình làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử
Làng Bích La Đông hình thành từ năm 1527, do một vị tướng nhận lệnh triều Hậu Lê vào xứ Thuận Hóa khai khẩn đất hoang lập nên. Trải qua bao biến cố, đến nay, làng vẫn gìn giữ được một quần thể di tích rất độc đáo.
Theo gia phả của các dòng tộc trong làng, dưới thời nhà Nguyễn, Bích La Đông có nhiều người đỗ đạt tiến sĩ nhất, như các vị Lê Mậu Cúc, Lê Thụy, Lê Hữu Thường. Chỉ tính riêng họ Lê Văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có 5 tiến sĩ. Khoa thi cuối của triều Nguyễn có ông Lê Văn Tặng, bác ruột cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đỗ phó bảng và ông Lê Văn Lương đỗ tiến sĩ.
Dù đỗ đạt, có chức tước cao, được triều đình ban thưởng nhiều ruộng đất nhưng các vị quan ở làng Bích La Đông vẫn không lấy thế mà kiêu ngạo. Họ hiến toàn bộ tài sản làm của công và sống một cuộc đời liêm khiết, được người người nể trọng.
Không những thế, người làng Bích La Đông còn nổi tiếng về truyền thống trung quân, ái quốc. Lê Đăng Dinh, vị quan dưới thời Nguyễn, từng làm chánh chủ khảo nhiều kỳ thi Hương, được phong Hiệp biện Đại học sĩ dưới triều vua Thiệu Trị. Do có công dạy dỗ 4 đời vua liên tiếp nên khi mất, ông được vua Tự Đức ban tặng nghi lễ cao nhất: Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc. Tứ triều thạc phụ đế vương tôn (Chỉ có mình lão mới được hưởng nghi lễ này. Do có công lao dạy dỗ 4 đời vua). Hai câu đối này đến bây giờ con cháu của làng Bích La Đông vẫn thuộc lòng.
Dân góp sức đầu tư chất xám
Không hề kém tiền nhân của mình, Bích La Đông ngày nay cũng có hàng chục tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng trong và ngoài nước. Đó là tiến sĩ toán học Lê Bá Long, tiến sĩ sinh học Lê Thị Diệu Muội, tiến sĩ hóa học Nguyễn Từ, họa sĩ lừng danh Lê Bá Đảng, tiến sĩ Nguyễn Giang Thạch...
Để đạt kết quả trên, ngoài tư chất của học sinh Bích La Đông, còn phải kể đến sự chăm lo của các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương. Ngày trước, mỗi học sinh đỗ đại học, cao đẳng sẽ được làng trao phần thưởng khuyến học 100 kg gạo, nay là 500.000 đồng. Theo ông San, phần thưởng không nhiều nhưng đó là cách động viên kịp thời cho con em các gia đình còn khó khăn.
Ông San cho biết từ những năm 1990, làng Bích La Đông đã chủ trương đầu tư, phấn đấu gia đình nào cũng có con em đi học đại học, ít nhất là 1 người. Em nào tốt nghiệp đại học, có việc làm sẽ quay lại đưa anh em ở nhà lần lượt đi học.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-9
Chợ họp mỗi năm một lần Tương truyền rằng dân Bích La Đông học giỏi, thi đỗ đạt cao vì đình làng nằm trên lưng một con cù. Mỗi năm, con cù thức giấc 1 lần kiểm tra con cháu của làng trong năm qua học hành, ăn ở như thế nào. Thế nhưng, có một lần, con cù không thức dậy nên năm ấy làng gặp nhiều chuyện không may. Sợ cù ngủ quên, các bô lão nghĩ ra một kế. Đó là hằng năm, vào rạng sáng mùng 3 Tết, tất cả dân chúng tập trung về đình làng họp chợ đầu năm rồi dùng chiêng, trống, mõ khua vang để đánh thức cù dậy. Từ đó, phiên chợ Bích La Đông được duy trì đều đặn hàng trăm năm nay và trở thành phiên chợ đầu năm độc đáo của nước ta. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần từ 3 đến 6 giờ sán. Người dân chủ yếu đi chợ để cầu may và chúc nhau năm mới tốt lành. |
Bình luận (0)