“Tôi đánh bắt cá trên vùng ngư trường truyền thống từ bao đời nay. Vùng biển chủ quyền của đất nước nên chúng tôi cứ đi, cứ làm chứ không bao giờ xâm phạm vùng biển của Trung Quốc. Thế mà họ đâm tàu của tôi...”. Bà Huỳnh Thị Như Hoa - chủ tàu Đna 90152 (TP Đà Nẵng) - bức xúc kể lại giây phút tàu cá của bà bị tàu Trung Quốc đâm chìm, trong buổi giao lưu “Phụ nữ chung tay bảo vệ biển Đông” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức ở TP HCM sáng 27-6.
Sau ngư dân là cả dân tộc
Nhớ lại lúc nhận được tin tàu mình bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa ngày 26-5, bà Hoa nghẹn ngào: “Tôi hoảng hốt vô cùng, chân tay run rẩy. Nghĩ đến con tàu có được từ mồ hôi, nước mắt, là phương tiện mưu sinh, trả nợ nần, tôi uất đến nghẹt thở”.
Sau này, bà nghe các thuyền viên kể khi tàu Đna 90152 đang neo đậu cách khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam khoảng 15 hải lý thì bất ngờ 3 tàu vỏ sắt Trung Quốc lao nhanh đến.
Chị Vương Thị Hà, vợ của kiểm ngư viên Lê Đình Minh và 2 con gái
Ngư dân tàu Đna 90152 liền nhổ neo, thu lưới và mở máy hết tốc lực để tránh va chạm. Thế nhưng, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục nhấn ga đuổi theo rồi đâm vào giữa tàu Đna 90152. Chiếc tàu rung lắc, chao đảo nhưng vẫn còn chạy được. Quyết không buông tha, tàu Trung Quốc tàn nhẫn nhấn ga, mở hết tốc lực đâm cực mạnh lần hai vào mạn trái tàu Đna 90152. Lần này, chiếc tàu lật úp, 10 ngư dân may mắn thoát chết trong gang tấc.
“Họ thật độc ác, giống như quân ăn cướp. Chúng tôi đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam chứ nào xâm phạm lãnh hải của họ...” - bà Hoa uất ức.
Bà Hoa cho biết bão tố chưa bao giờ làm ngư dân miền Trung chùn bước. Thế mà, ngay khi trời yên biển lặng, Trung Quốc lại gây sóng gió. Dù vậy, các ngư dân quyết ra khơi, bám biển, trước hết là mưu sinh, sau là giữ gìn biển đảo quê hương.
Sau khi tàu bị chìm, gia đình bà Hoa đã nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ từ nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, Hội Nghề cá TP Đà Nẵng đã hết lòng ủng hộ bà trong cuộc chiến pháp lý kiện tàu Trung Quốc. Vì vậy, bà giữ vững niềm tin rằng mình không đơn độc trong cuộc tranh đấu này bởi phía sau là cả dân tộc và những ngư dân miền Trung quanh năm bám biển, giữ biển.
“Ở nhà đã có em”
Căm phẫn về hành vi ngang ngược của Trung Quốc bao nhiêu, nhiều người lại khâm phục trước ý chí của người vợ kiểm ngư bấy nhiêu khi chứng kiến chị Vương Thị Hà, vợ của kiểm ngư viên Lê Đình Minh ở tàu KN-774, dắt 2 con gái sinh đôi 5 tuổi lên sân khấu.
Chị tâm sự khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cũng là ngày chồng chị nhận lệnh cấp tốc ra Hoàng Sa. Hơn cả tháng nay, không đêm nào chị ngủ yên, 2 con gái luôn mong cha.
Khi thấy tàu Việt Nam bị Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng trên tivi, 2 con chị khóc thét. Các cháu rất sợ nên chị không dám nói bố đang làm nhiệm vụ trên tàu. “Mỗi khi nhớ bố, các cháu mở điện thoại có đoạn ghi âm các cuộc nói chuyện, vui đùa trong gia đình để nghe rồi gọi bố ơi, bố ơi. Nhìn cảnh đó mà tim tôi thắt lại” - chị Hà kể.
Mẹ con chị Hà hiện đang thuê một phòng trọ ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để ở. Mỗi ngày, chị dậy từ 4 giờ, đem giá đỗ ra chợ Rạch Dừa bán, kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Cuộc sống còn bộn bề gian khó nhưng làm vợ của kiểm ngư viên, chị biết rằng phải chấp nhận cảnh xa chồng đằng đẵng, nuôi con một mình.
“Tôi chỉ lo cho sự an nguy của anh ấy khi đang ngày đêm bám biển đấu tranh với Trung Quốc tại điểm nóng Hoàng Sa. Chỉ cần anh bình yên, mẹ con tôi ở nhà vất vả mấy cũng chịu được” - chị Hà khẳng định.
Gửi tới chồng lời nhắn: “Ở nhà đã có em”, chị Hà cũng như hàng trăm người vợ của các cảnh sát biển, kiểm ngư nguyện làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến kiên cường.
Bình luận (0)