Từ đó, họ cố tìm đọc thông tin trên báo cách nhận biết điện thoại bị nghe lén, làm sao phòng chống nghe lén; cách gỡ bỏ phần mềm nghe lén...
Những quý ông, quý bà đa đoan, phong tình lo âu nhiều nhất vì chẳng hiểu ông xã, bà xã mình có cài đặt cái phần mềm theo dõi nào trong cái máy điện thoại vô tri vô giác ấy không!
Thực ra, chuyện nghe lén, theo dõi qua máy tính đã có từ lâu. Máy tính được truy cập những trang web nào, hoạt động chat, e-mail, thông tin cá nhân của bạn ra sao..., nếu muốn thì người ta vẫn có thể theo dõi được. Cho đến khi điện thoại thông minh (smartphone) ra đời và ngày càng thông minh hơn, rẻ hơn thì việc theo dõi qua điện thoại càng trở nên phổ biến. Cứ vào Google tìm kiếm “phần mềm nghe lén”, “phần mềm theo dõi điện thoại”... sẽ thấy rất nhiều “hàng độc” được rao bán công khai.
Thực ra, các phần mềm theo dõi như vậy được viết ra từ lâu với nhiều mục đích khác nhau, như dùng để quản lý nhân viên, quản lý trẻ vị thành niên, kiểm soát căn hộ của mình... Riêng các phần mềm cho công tác tình báo thì rất tinh vi, được viết bởi những chuyên gia hàng đầu thế giới, khác hẳn với phần mềm đơn giản mà những người viết phần mềm ai cũng thực hiện được như Ptracker mà Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng sử dụng.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từng bị cáo buộc nghe lén điện thoại của nhiều nguyên thủ quốc gia, dù họ được bảo mật gần tuyệt đối, cho thấy với công nghệ hiện nay, gần như điện thoại nào cũng có thể bị theo dõi. Tổng thống Mỹ Obama dùng điện thoại BlackBerry đặc biệt được cải tiến bởi NSA nhưng cũng chưa chắc được bảo mật tốt, dù chỉ dùng vào việc cá nhân.
Nhiều chuyên gia công nghệ đã hướng dẫn người dùng phổ thông cách phát hiện điện thoại của mình có bị cài đặt các loại phần nghe lén hay không, cách đối phó... Họ còn khuyến cáo người dùng khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại cần lựa chọn các nguồn tin cậy như Apple Store, Google Play, Windows Store, Nokia Store. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những khuyến cáo, vì về mặt nguyên tắc thì không có smartphone nào được bảo mật tuyệt đối do không có phần mềm nào hoàn chỉnh cả.
Câu nói đùa mà trong giới viết phần mềm ai cũng biết cho thấy vấn đề hiển nhiên nêu trên: “Lỗi của phần mềm cũng chính là chức năng của nó!”. Quản lý phần mềm kỹ, bảo thủ như Apple với hệ điều hành iOS mà vẫn bị jailbreak, do vậy iOS phải vá phần mềm thường xuyên. Cộng đồng jailbreak cũng phát triển nhanh chóng và lỗi phần mềm được phát hiện ngày càng nhiều. Một khi phần mềm còn lỗi thì làm sao smartphone của bạn được bảo mật tuyệt đối?
Vậy thì bạn không nên quá quan tâm đến việc điện thoại bị nghe lén. Vấn đề quan trọng là bạn nên ý thức việc bảo vệ danh tánh của mình trên mạng, hiểu cách bảo mật thông thường để bảo vệ mình. Với cộng đồng và xã hội, nếu hoạt động lành mạnh, trong sáng thì dù có bị nghe lén, theo dõi cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến bạn...
Bình luận (0)