Ngày 13-11, tại TP HCM, trong khuôn khổ hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra hội nghị chuyên đề “Kiều bào với phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức của TP HCM” và “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TP HCM”.
Khuyến khích doanh nghiệp “ra biển cả”
Với chuyên đề “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TP HCM”, theo TS Đinh Thanh Hương (Việt kiều Pháp), để thúc đẩy đầu tư nước ngoài, TP cần khuyến khích doanh nghiệp “ra biển cả”, tự tìm thị trường, các đối tác nước ngoài trong thương mại và hợp tác đầu tư. Xây dựng chiến lược về thu hút đầu tư dài hạn 20-30 năm với các kế hoạch, mục tiêu, phương thức tiến hành trung, ngắn hạn. Thường xuyên chuyển tải đến người dân, doanh nghiệp qua các con số, biểu đồ dễ hiểu để biết TP đang ở đâu và cần nỗ lực tiếp theo như thế nào. Tạo lòng tin cho nhà đầu tư trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường. Kiên quyết xử lý và công khai các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của những người tham gia quyết định.
Vấn đề bảo vệ môi trường để thu hút vốn FDI và phát triển bền vững cũng được TS Nguyễn Hồng Huệ (Việt kiều Úc) đặt ra. Theo TS Huệ, TP muốn phát triển bền vững thì việc trước tiên là phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. “Môi trường bị ô nhiễm sẽ là một trong những rào cản chủ yếu làm chùn bước các nhà đầu tư nước ngoài hướng về Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư sạch, thật sự tiềm năng” - TS Huệ nhấn mạnh.
Phát triển kinh tế tri thức
Tại chuyên đề “Kiều bào với phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức của TP HCM”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Dũng xác định phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ so với các lĩnh vực khác; gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất - kinh doanh. Để thực hiện mục tiêu này, TP sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Hoạt động nghiên cứu gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và thị trường công nghệ…
TS Nguyễn Đăng Bằng (Việt kiều Anh) cho rằng để xây dựng kinh tế tri thức ở TP, cần một trường đại học nghiên cứu mới hoàn toàn. Trường sẽ là trung tâm nghiên cứu và là hạt nhân công nghệ, xây dựng một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, phần mềm và trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, ưu tiên thu hút nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là người Việt từ nước ngoài về hoặc người nước ngoài.
Theo GS-TS Vũ Lê Hải (Việt kiều Úc), TP nên đưa người đi đào tạo và dùng người Việt Nam phát triển công nghệ Việt Nam. Đồng thời, thu hút các giáo sư Việt kiều tham gia xây dựng, đào tạo nhân lực và cũng là người chuyển giao, phát triển công nghệ Việt Nam.
TS Mai Xuân Lý (Việt kiều Ba Lan) cho rằng hạn chế lớn nhất là đội ngũ khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học tầm cỡ thế giới của Việt Nam còn rất mỏng. “Cần quan tâm đúng mức tới khoa học cơ bản. Tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, kỹ thuật giỏi người nước ngoài (không nhất thiết là Việt kiều) tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam. Có chính sách phù hợp hơn với thực tế phát triển khoa học và công nghệ; tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt kiều cảm thấy là chủ chứ không phải khách trên quê hương mình” - TS Lý đề xuất.
Hành động ngay
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đánh giá rất cao và trân trọng sự hiện diện của kiều bào tại hội nghị, coi đây là cơ hội to lớn để cùng nhau bàn bạc, hiến kế, đưa ra các sáng kiến nhằm tận dụng tối đa hiệu quả mọi nguồn lực, khơi dậy những tiềm năng đáp ứng cho sự phát triển và hiện đại hóa TP. Theo Bí thư Thành ủy, phần lớn các tham luận, ý tưởng, mong muốn của kiều bào tại hội nghị cũng là những vấn đề mà TP đang trăn trở tìm hướng giải quyết. Nhiều tham luận đã chia sẻ sự đồng thuận và giúp TP củng cố niềm tin khi tiếp tục bám sát các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài theo 7 chương trình đột phá, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh cải cách hành chính; giảm ùn tắc giao thông; khắc phục tình trạng ngập nước; cải thiện môi trường và chỉnh trang phát triển đô thị.
“Sau hội nghị này, lãnh đạo TP sẽ cùng các sở, ngành chức năng tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào để triển khai các đề xuất, nhất là những vấn đề gắn trực tiếp đến việc cải thiện chất lượng sống của người dân. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Dương Nguyên Vũ - đại diện cho 500 kiều bào - đã nói là chúng ta phải bắt tay hành động ngay. Chúng tôi sẽ tích cực cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác. Tôi đề nghị mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng phải coi những sáng kiến, góp ý tâm huyết của các đại biểu là nguồn lực quan trọng, “ngân hàng ý tưởng” quý giá mà TP luôn cần đến cho sự phát triển của mình” - Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
“Vườn ươm giấc mơ Việt Nam”
TS Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) cho biết với mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm để có thể ứng dụng vào thực tế giúp Việt Nam phát triển hơn, ông đã xây dựng “Vườn ươm giấc mơ Việt Nam”. Đây là nơi hội tụ của các doanh nhân, trí thức Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước. “Tất cả chúng ta khác nhau nhưng đoàn kết sẽ làm Việt Nam phát triển hơn” - TS Dũng khẳng định.
Bình luận (0)