Hoạt động kinh doang của taxi Uber đã gây phản ứng đa chiều từ các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam
Hiệp hội Taxi TP HCM vừa có thư cám ơn gởi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng.
Theo Hiệp hội Taxi TP HCM, các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng là thông điệp không chỉ riêng cho Uber mà còn cho tất cả tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh vận tải: Phải tuân thủ pháp luật, chỉ được phép hoạt động khi thực hiện đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định, cụ thể là phải chấp hành Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông vận tải.
Thay mặt các hãng taxi truyền thống tại TP HCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, hứa sẽ chấp hành nghiêm các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng và cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Về lâu dài, các hãng taxi truyền thống phải nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách
Trước đó, chiều 5-12, Hiệp hội Taxi TP HCM đã tổ chức cuộc họp thống nhất ý kiến gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và Chính phủ kiến nghị xem xét, cân nhắc thời điểm cho Uber hoạt động tại Việt Nam. Hiệp hội này cho rằng Uber đang biện minh cho việc làm của mình là môi giới, vì thế họ rũ bỏ mọi trách nhiệm pháp lý cho chủ xe, tài xế và khách hàng phải tự lo, tự chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Họ chối bỏ mọi nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước với lý do là môi giới.
Theo ông Tạ Long Hỷ, thực tế Uber đã và đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách giống như hoạt động của một hãng taxi thực sự. Cụ thể, Uber tiếp nhận yêu cầu của hành khách, điều xe và thu tiền cước khi kết thúc hành trình, sau đó ăn chia với chủ xe. "Rõ ràng các hành vi trên là hoạt động điều hành vận tải hành khách chứ không phải là môi giới như Uber nói" - ông Hỷ phân tích.
Bình luận (0)