Đây không phải trường hợp cá biệt. Trước đó, đến gần cuối năm 2013, chỉ hơn 1.100 của tổng số trên 2.600 người nước ngoài làm việc ở Khu Kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) được cấp phép lao động. Cả nước hiện có hàng trăm nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đang thi công các dự án khắp nơi, nếu quản lý theo kiểu này thì lao động chui nhiều biết bao nhiêu mà kể!
Hầu hết các vụ sử dụng lao động nước ngoài chui đều được phát hiện khi các đoàn công tác liên ngành trong nước tiến hành kiểm tra. Nhóm đối tượng này thường nhập cảnh Việt Nam theo đường du lịch, sau đó trốn lại làm việc tại các dự án, chủ yếu là lao động phổ thông. Mỗi khi phát hiện lao động không phép, phía ta thường tiến hành trục xuất những đối tượng ấy về nước. Riêng tại Khu Kinh tế Vũng Áng mới đây đã có hàng trăm lao động, chủ yếu là người Trung Quốc, bị trục xuất vì làm việc chui.
Họ làm chui, làm lén - lẽ ra họ phải sợ nhưng ta lại lo hơn và lo về nhiều mặt. Điều ấy dễ hiểu bởi hệ lụy của lao động chui rất nặng nề. Trước hết là hiệu quả kinh tế và việc làm. Chúng ta một mặt mời gọi các nhà thầu nước ngoài tham gia dự án, một mặt tận dụng những nguồn lực sẵn có sao cho ích nước lợi nhà. Thế nhưng, trong bối cảnh người lao động nói chung - nhất là lao động phổ thông - còn thiếu việc làm, thậm chí không còn đất canh tác vì đã bị giải tỏa cho các công trình thì chính những dự án đó lại chiêu mộ lực lượng lao động phổ thông bên ngoài, đồng nghĩa rằng người dân địa phương bị thiệt kép. Đáng lo nữa là về an ninh trật tự xã hội. Thực tế đã cho thấy ở đâu có đông lao động nước ngoài “đóng đô”, ở đó tình hình an ninh trật tự xã hội phức tạp, kéo theo nhiều ẩn họa khó lường...
Để xảy ra tình trạng như vậy, chẳng lẽ chỉ do các nhà thầu và những đội quân lao động chui đó? Các quy định pháp lý hiện nay của nước ta đối với lao động nước ngoài khá đầy đủ và chặt chẽ. Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhiều điều khoản rất chặt chẽ, cụ thể về đăng ký, tuyển dụng, quản lý, chế tài lao động nước ngoài. Luật ưu việt là thế song sự buông lỏng của chính quyền một số địa phương cùng các ngành hữu quan đã tạo kẽ hở lớn cho hàng trăm, hàng ngàn lao động không phép “chui” vào.
Nếu cứ chủ quan, lơ là trước sự đổ bộ nhiều bất thường của lao động nước ngoài, chúng ta sẽ phải trả giá. Đã có nhiều bài học xương máu từ chuyện tương tự như vậy, không khó để tìm đọc và khắc cốt ghi tâm!
Bình luận (0)